XEM CLIP:

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/8, đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Bình Thuận gửi đến Bộ trưởng Công an Tô Lâm câu hỏi về hộ chiếu mẫu mới.

Đây là vấn đề kỹ thuật

“Vừa qua, việc một số quốc gia không công nhận hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam. Xin hỏi Bộ trưởng trách nhiệm trên thuộc về ai? Giải pháp của Bộ Công an trong thời gian tới để khắc phục việc này?”, đại biểu Nguyễn Hữu Thông hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định, việc cấp hộ chiếu mẫu mới là đúng theo đúng quy định Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ảnh: Phạm Thắng

Hộ chiếu mới phù hợp thông lệ quốc tế, nhiều nước cũng sử dụng mẫu này. Mẫu của Việt Nam đa số các nước công nhận như: Đức, Séc, Tây Ban Nha…

“Một số nước họ gây khó khăn cũng có lý do, chúng tôi tìm hiểu xem nguồn gốc công dân ở những địa phương này. Đây là vấn đề kỹ thuật, chúng tôi cho rà soát lại. Trước mắt cần bổ sung bị chú nơi sinh. Về lâu dài thì chúng tôi sẽ bổ sung nơi sinh vào trang nhân thân hộ chiếu. Sau đó sửa Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam", Bộ trưởng Công an nói.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng nhìn nhận: "Bộ Công an chủ trì xin nhận trách nhiệm về vấn đề này”.

Cùng quan tâm việc cấp hộ chiếu mẫu mới, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) hỏi về thuận lợi, khó khăn, tính lãng phí và đề nghị Bộ trưởng Công an giải thích rõ hơn trách nhiệm của Bộ trong việc này.

Trả lời, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, việc cấp hộ chiếu mẫu mới cơ bản thuận lợi từ việc cấp, sử dụng, quản lý, thời hạn dài, đáp ứng các yêu cầu của người dân và không có khó khăn gì.

“Vừa qua một số nước yêu cầu phải có nơi sinh, chúng tôi thống nhất có giải pháp rồi, sẵn sàng bổ sung ngay phần bị chú nơi sinh với nước quan tâm. Còn những nước không quan tâm, hộ chiếu mẫu mới vẫn có giá trị bình thường”, Đại tướng Tô Lâm nói.

Bộ trưởng Công an đồng thời khẳng định: “Không có sự lãng phí trong thực hiện chủ trương này vì hộ chiếu cũ còn giá trị vẫn sử dụng bình thường”.

Bộ Công an sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ để làm hộ chiếu điện tử, hộ chiếu gắn chíp. Khi đó những hộ chiếu nếu còn thời hạn vẫn được sử dụng, không có hộ chiếu nào bỏ đi nên không lãng phí.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) tiếp tục tranh luận với Bộ trưởng Công an về việc người dân phải chủ động xin bổ sung phần bị chú nơi sinh. Bộ trưởng Tô Lâm một lần nữa khẳng định việc cấp hộ chiếu mẫu mới thực hiện theo đúng quy định của luật, bất cứ thay đổi nào đều phải có ý kiến chứ không thể tùy tiện.

Tư lệnh ngành Công an giải thích lại, việc chủ động xin bị chú nơi sinh, thực tế ở đâu có nhu cầu thì sẽ làm việc đó. Trong khi hiện nay nhiều nơi không có nhu cầu phải có nơi sinh, nếu ghi vào đó không đúng quy định của luật, cũng không cần thiết.

“Đây là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong hoạt động đi lại. Nếu chỉ vì một vài cơ quan vì lý do kỹ thuật mà cấp đại trà thì nên cân nhắc. Theo chúng tôi, ai có nhu cầu và đi đến khu vực nào có yêu cầu thì chúng tôi giải quyết yêu cầu đó, còn đại đa số thực hiện theo quy định chung của quốc tế”, Bộ trưởng Công an nhấn mạnh.

Đang điều tra đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu cá nhân

Đại biểu Siu Hương (Gia Lai) và đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) chất vấn về bảo vệ thông tin cá nhân. Đặc biệt là tình trạng hiện nay các thông tin cá nhân được rao bán trên các hội nhóm trên nền tảng mạng xã hội và không khó để truy cập vào các hội, nhóm này. Công an các địa phương đã triệt phá nhiều đường dây mua bán thông tin trên mạng xã hội, nhưng còn đối tượng đang hoạt động chưa phát hiện, xử lý.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn)

“Đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp mà bộ sẽ triển khai trong thời gian tới để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hiệu quả để người dân an tâm thông tin cá nhân của mình sẽ không bị trôi nổi trên nền các nền tảng mạng xã hội”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, lộ lọt dữ liệu cá nhân hiện nay trên thế giới và ở nước ta “rất đáng báo động”. Bộ Công an đã triển khai các giải pháp. Đầu tiên là hoàn thiện hành lang pháp lý. Hiện Bộ đã trình Chính phủ ban hành nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên 10 lần trình rồi, hiện đang vào giai đoạn chót, sẽ sớm ban hành nghị định này để có căn cứ pháp lý tiến hành các biện pháp để bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Tiếp theo lộ trình, Bộ Công an cũng dự kiến năm 2024 sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội để ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Cùng với đó tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhất là khi tham gia vào môi trường mạng.

Giải pháp nữa được Đại tướng Tô Lâm đề cập là xử lý nghiêm các trường hợp làm lộ lọt, rao bán dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật.

“Chúng tôi đang điều tra đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu được cho là lấy từ nguồn gốc từ Bộ giáo dục và Đào tạo”, Bộ trưởng Công an thông tin.

Bên cạnh đó, Đại tướng Tô Lâm còn cho hay, có một số cơ sở dữ liệu của các ngành khác như Y tế cũng có nguy cơ bị lộ lọt sẽ được tập trung xử lý. Bộ Công an xác định, cơ sở dữ liệu cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài nguyên của quốc gia nên được bảo đảm tổ chức ngày từ đầu, bảo đảm an ninh an toàn về mức độ 4; thực hiện nghiêm ngặt quy trình thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin… 

“Chúng tôi coi đây là mệnh lệnh trong lực lượng vũ trang để quản lý”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh và cho biết, Bộ thường xuyên thực hiện kỹ thuật chuyên biệt 24/24 với hệ thống ngăn chặn việc tấn công xâm nhập lấy cắp dữ liệu. 

Theo ông Tô Lâm, hàng ngày Bộ phải đối phó hàng nghìn cuộc tấn công vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. “Nếu không có hệ thống bảo đảm an toàn thì nguy cơ này rất lớn mà nhiều tấn công là từ nước ngoài”, Bộ trưởng Công an nói.

Hai Bộ trưởng Công an, VH-TT-DL đăng đàn trả lời chất vấn

Hai Bộ trưởng Công an, VH-TT-DL đăng đàn trả lời chất vấn

Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành cả ngày 10/8 chất vấn các Bộ trưởng Công an Tô Lâm, VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của hai bộ này.
Bộ trưởng Công an: Điều tra mở rộng hành vi rửa tiền, tội phạm 'tín dụng đen'

Bộ trưởng Công an: Điều tra mở rộng hành vi rửa tiền, tội phạm 'tín dụng đen'

Bộ Công an cho biết sẽ xử lý triệt để, nghiêm minh với các vụ án liên quan đến cán bộ thuộc cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tiếp tay, cung cấp vốn cho “tín dụng đen” hoạt động.
Đã đến lúc cải cách tiền lương, tăng lương cho công chức, y bác sĩ, giáo viên

Đã đến lúc cải cách tiền lương, tăng lương cho công chức, y bác sĩ, giáo viên

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục cho rằng, bây giờ phải tập trung thực hiện cải cách tiền lương để giải quyết vấn đề thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức vì chế độ lương nhà nước hiện nay rất thấp.