Phát biểu tại hội thảo kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng - thực trạng và giải pháp ngày 21/1, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho rằng, kiểm soát quyền lực là một điều kiện bảo đảm hiệu lực, hiệu quả  trong cơ chế vận hành của các thể chế chính trị nói chung, đồng thời cũng là một yếu tố quan trọng trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng nói riêng. 

Lợi dụng quyền lực để vụ lợi phải bị truy cứu trách nhiệm

Để chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, theo Trưởng ban Nội chính Trung ương, cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng các chế định pháp lý và các quy định chặt chẽ, hệ thống.

{keywords}
Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc chủ trì hội thảo

Quyền lực phải được bảo đảm các điều kiện để thực thi có hiệu quả, đồng thời phải được ràng buộc chặt chẽ bằng trách nhiệm; quyền lực càng cao, trách nhiệm càng nặng nề.

"Mọi hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền lực để vụ lợi phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc", Trưởng ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh.

Ông Trạc nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020: "Thể chế nói chung, thể chế về phòng, chống tham nhũng nói riêng cùng với chuẩn mực đạo đức trên các lĩnh vực và cơ chế kiểm soát quyền lực là yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng...

Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của "nhóm lợi ích", "sân sau", "tư duy nhiệm kỳ", ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng từ khi xây dựng chính sách, pháp luật. Khẩn trương hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch".

Trưởng ban Nội chính Trung ương cho biết, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều đổi mới nhận thức về kiểm soát quyền lực, đã rất chú trọng ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực nói chung và kiểm soát quyền lực để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng nói riêng.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng đã được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện; đã hình thành một bước cơ chế phòng ngừa chặt chẽ theo hướng bảo đảm "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng.

Nhiều chủ trương, giải pháp, chính sách mới, quyết liệt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng đã được ban hành. Các nghị quyết, chỉ thị và quy định được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống, có hiệu lực, hiệu quả, khắc phục một bước những sơ hở, bất cập làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

"Qua tổng kết, có thể khẳng định rằng: Chưa bao giờ công tác phòng, chống tham nhũng lại được chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả như thời gian vừa qua; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ", Trưởng ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh.

Nhận diện và có cơ chế phòng, chống "lợi ích nhóm"

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Phan Đình Trạc cũng lưu ý, phải thẳng thắn nhìn nhận công tác kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

Nghị quyết Đại hội XII đã chỉ rõ: “Chưa chế định rõ, đồng bộ, hiệu quả cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp"...

Vì vậy, Bộ Chính trị đã giao cho Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng Đề án "Tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hoặc chỉ đạo ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng".

Theo ông Trạc, hội thảo hôm nay là một bước đi nhằm giúp Ban Nội chính Trung ương tiếp tục hoàn thiện đề án quan trọng này.

Trưởng ban Nội chính Trung ương đề nghị các các đại biểu làm rõ nội hàm của kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng; đánh giá cơ bản thực trạng kiểm soát quyền lực chính trị, kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta góp phần phòng chống tham nhũng.

Đồng thời, nhận diện và có cơ chế phòng, chống "lợi ích nhóm" và "tham nhũng chính sách" trong hoạt động xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật; những sơ hở, bất cập và hạn chế trong thực thi cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, đầu tư công, mua sắm công, quản lý đất đai và những giải pháp khắc phục.

Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa lạm dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp...

 

Có 14 phát biểu tham luận tại hội thảo, trong đó nhiều ý kiến đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa lạm dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và kiểm tra, giám sát. Các giải pháp bảo đảm để cán bộ, công chức "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng trong điều kiện ở nước ta hiện nay.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương thống nhất với các ý kiến đề xuất, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về công tác tổ chức, cán bộ; về thực hiện dân chủ trong Đảng; về chế độ tự phê bình và phê bình; về trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng.

Đồng thời chú trọng kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ; khẩn trương hoàn thiện các quy định về tăng cường kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng...

Thu Hằng      

"Không muốn tham nhũng" là một điểm nhấn trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong công tác xây dựng Đảng được thể hiện qua dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII là bổ sung yếu tố “không muốn” tham nhũng.