Xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình có tổng diện tích tự nhiên gần 74.152 ha, đường biên giới giáp với nước bạn Lào dài 58,142 km. Xã có 18 thôn, bản với 3.209 nhân khẩu.
Với 100% dân số là người đồng bào dân tộc Ma Coong (Bru - Vân Kiều), Thượng Trạch là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện, tỷ lệ hộ nghèo vẫn đang ở mức cao với 470 hộ, 2.106 nhân khẩu, chiếm 65,37%; hộ cận nghèo có 36 hộ, 189 nhân khẩu, chiếm 5,01%.
Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 14,6 triệu đồng/người/năm. Người dân nơi đây tập trung sống thành từng cụm, bản, phân bố rải rác. Các hộ sống tại các nơi rừng núi hẻo lánh được hướng dẫn và tạo điều kiện để về với vùng trung tâm theo chính sách “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Mặc dù được sự quan tâm của cấp ủy các cấp, cùng nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sự ủng hộ của cộng đồng…nhưng đời sống của bà con vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tình trạng thiếu điện, không nước sạch khiến điều kiện sống của bà con rất hạn chế.
Thượng tá Lê Xuân Hóa, Đồn Biên phòng Cồn Roàng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, cán bộ tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch cho biết, bà con nơi đây phải đến sông, suối gần nơi sinh sống để “cõng” nước về sử dụng. Dòng nước này thường dùng chung cho người (ăn uống, tắm, giặt, vệ sinh) và gia súc, gia cầm.
Mùa nắng thì cạn nước, mùa mưa dòng nước đục ngầu, bên cạnh đó địa hình có nhiều núi đá vôi nên nguy cơ nhiễm vôi trong nước rất cao. Việc sử dụng nguồn nước không bảo đảm có thể gây ảnh hưởng đối với sức khỏe đối với người dân.
Từ những trăn trở đó, chính quyền địa phương, quân và dân đã cùng chung tay phối hợp tìm nguồn nước sạch về với bà con.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tiểu dự án giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, chính quyền xã Thượng Trạch đã khảo sát, tính toán để tìm nguồn nước và dẫn nước về điểm cấp nước tại các cụm bản. Dự án nước phân tán giúp đưa nước sạch từ thượng nguồn về tại điểm dân cư tập trung, giảm thiểu tình trạng dùng chung nước với các loài vật, cũng như gần dân cư, tiện sinh hoạt.
Thời gian trước, đơn vị đã làm nhiều giếng nước sạch để phục vụ bà con, tuy nhiên do điều kiện địa chất, sử dung được một thời gian thì lượng nước ngầm không đủ nên bà con lại ra suối sinh hoạt.
“Sau nhiều lần họp bàn với trưởng bản, nhân dân, bộ đội và thanh niên đã tổ chức khảo sát, tìm vị trí thích hợp để làm giếng. Đảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị đã có nhiều buổi tìm kiếm phương án tối ưu, tiết kiệm chi phí, công sức, huy động các nguồn lực để chung tay cùng bộ đội, xây dựng các giếng nước cố định.
Việc lắp đặt máy bơm, máy phát điện, ống dẫn nước, bể chứa, nền bê tông đều do bộ đội biên phòng tổ chức, phối hợp với thanh niên trong bản thực hiện nên bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm chi phí”, Trung tá Hoàng Quang Hòa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Roàng nói.
Từ nguồn hỗ trợ thiện nguyện và hơn 200 ngày công của lực lượng bộ đội biên phòng, 9 công trình nước sạch đã được thực hiện và phục vụ 8 bản, 1 điểm trường tiểu học ở bản Coóc, xã Thượng Trạch.
Từ khi nước sạch về trước cửa nhà, ông Hồ Đảng ở bản Nịu rất phấn khởi: “Tôi ở đây hơn 20 năm rồi nhưng chỉ biết múc nước suối sử dụng thôi, giờ Đảng, Nhà nước và Bộ đội Biên phòng quan tâm có nước sạch nên bà con rất vui mừng, hào hứng để sản xuất và có thêm tinh thần để cùng Đảng, chính quyền tham gia vào những công cuộc phát triển mới”.
Theo ông Nguyễn Trường Chinh, Phó chủ tịch UBND xã Thượng Trạch, từ khi có giếng nước bà con ăn ở hợp vệ sinh hơn, đời sống cũng dần được cải thiện, từ đó chung sức đồng lòng chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Hải Sâm