Tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 6/11, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về SGK.
"Bộ tham mưu Chính phủ khái toán kinh phí cho chương trình đổi mới giáo dục khoá XIII là 462 tỉ đồng. Vậy hiện nay thực tế đã đầu tư chi trả bao nhiêu tiền từ ngân sách quốc gia và vay từ Ngân hàng thế giới - WB để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, biên soạn SGK và tài liệu, tổ chức tập huấn?", ĐB hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Chính phủ phê duyệt dự án cho đổi mới chương trình SGK tổng thể là 80 triệu USD, trong đó 77 triệu USD vay ODA.
Trong cấu phần dành cho biên soạn SGK như thiết kế ban đầu, Bộ GD - ĐT đã báo cáo Chính phủ, Chính phủ báo cáo Quốc hội không sử dụng khoản tiền này nữa nên Bộ GD - ĐT đã trả lại 16 triệu USD để xây dựng SGK, khoản tiền này để trong tài khoản của WB, Bộ GD - ĐT chưa sử dụng.
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ |
Số tiền còn lại dành để triển khai xây dựng chương trình thì Bộ đã triển khai xây dựng chương trình và các hoạt động phát triển chương trình tổng thể môn học. Cho đến tháng 12 năm nay, cố gắng tiêu được 12 triệu USD (hơn 200 tỉ).
“Đợt rồi, chúng tôi rà soát tất cả các chi phí không thiết thực liên quan đến tập huấn tăng cường và không hiệu quả, chúng tôi xin trả lại Chính phủ. Tổng số tiền chúng tôi trả lại là 29,7 triệu USD. Các khoản tiết kiệm sẽ trả lại, chúng tôi chi vào những khoản thực chi”.
Tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội là xã hội hoá SGK, do vậy tiết kiệm tiền chi ngân sách cho biên soạn SGK, trừ trường hợp không có bộ sách nào được các nhà xuất bản trình thì Bộ sẽ phải làm theo đúng Nghị quyết 122 của Quốc hội.
Dạy văn hóa trong trường nghề như thế nào?
ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về quy định khối lượng kiến thức văn hóa trong giáo dục phổ thông, được quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp và đã có hiệu lực 5 năm. Bà nhắc lại kỳ họp thứ 9 đã chất vấn Bộ trưởng Nhạ về vấn đề này và Bộ trưởng hứa ban hành thông tư hướng dẫn vào tháng 9/2020 để kịp thực hiện trong năm học mới, song nay vẫn chưa có tín hiệu gì.
“Lý do là gì và bao giờ Bộ trưởng thực hiện lời hứa của mình”, nữ ĐB chất vấn.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định khối lượng văn hóa được dạy trong các trường phổ thông, trường bổ túc văn hóa, trường nghề là vấn đề hết sức phức tạp. Do vậy, Bộ đã chỉ đạo các ban soạn thảo để tính toán cho phù hợp.
Trong quá trình chuẩn bị thông tư, Bộ LĐTB&XH chỉ đạo các trường nghề vẫn dạy theo chương trình và theo quy định. Luật Giáo dục 2019 có nêu các trường nghề được dạy khối lượng văn hóa do Bộ GD-ĐT quy định.
“Chúng tôi đã lấy ý kiến và thảo luận với Bộ LĐTB&XH về vấn đề này. Đến nay hoàn thành phần dự thảo rồi, cố gắng đến cuối năm nay có thể xong được”, ông Nhạ nói. Bộ GD&ĐT cũng đã có công văn gửi Bộ LĐTB&XH đồng ý trước mắt với đề nghị để các trường nghề tiếp tục dạy đến khi có văn bản mới.
Thu Hằng - Trần Thường
Đại biểu Quốc hội tiếp tục tranh luận về Sách giáo khoa
Trong phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội về kinh tế - xã hội vào sáng 4/11, câu chuyện biên soạn, lưu hành SGK tiếp tục được nhiều ĐBQH quan tâm, tranh luận.