- Đây là vấn đề mà đại biểu đã nêu cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong phiên chất vấn sáng nay. Đem câu hỏi này đặt ra cho một số cán bộ trong ngành giáo dục, phụ huynh học sinh, Vietnamnet đã nhận được những câu trả lời khác nhau.
Ông Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM: Học những gì cần học, 50% nên dừng ở trung cấp, học nghề.
Học cái gì cần học, cần cho cuộc sống và công việc. Dù giáo dục đại học cần có nền tảng nhưng để tiết kiệm thời gian phải tính tới việc lựa chọn những kiến thức thực sự cần cho công việc của người học sau đó để dạy.
Ông Nguyễn Kim Hồng |
Bộ GD-ĐT phải cùng với xã hội xem có thực sự cần học đại học cho tất cả học sinh phổ thông không, hay với một số - mà tôi nghĩ với điều kiện nước ta hiện nay nên là 50 - 55% - chỉ cần dừng lại ở việc học nghề và trung cấp nghề?
Với những nghề nghiệp chỉ yêu cầu ở trình độ trung cấp nghề, nếu học đại học sẽ lãng phí thêm một khoảng thời gian từ 1,5 năm đến 2 năm. Đây là sự phí phạm về mặt thời gian với xã hội cũng như cá nhân họ, kèm theo là sự phí phạm về tiền bạc. Tuy nhiên việc này cần sự đồng thuận trong xã hội, không chỉ ở những người làm giáo dục, hay ở phụ huynh và học sinh phổ thông.
Hiện tại, Khung chương trình giáo dục quốc dân đã có sự chia tách giữa giáo dục phổ thông và học nghề. Nhưng xu huớng của thế giới là tỷ lệ học sinh học nghề trong giáo dục phổ thông ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn.
Nếu thực hiện tốt việc phân luồng ở giáo dục phổ thông và dạy thực chất giáo dục nghề, chắc chắn sẽ giảm được thời gian phí phạm.
Cũng không phải là giảm việc học đại học, mà việc học này sẽ được phát triển cùng với giáo dục suốt đời - người học sẽ nhận văn bằng đại học trong những năm tiếp theo của cuộc đời họ cùng với việc tham gia lao động.
Như vậy việc tiếp nhận trình độ cao hơn mới thực chất là nhu cầu của mỗi cá nhân và làm cho xã hội phát triển.
Anh Hoàng Nam Trung, phụ huynh học sinh, Quận Tân Bình (TP.HCM): Ra đường đố ai còn biết tích phân, còn giải được bài toán lượng giác, nhớ được đột biến gen?
Muốn không lãng phí thời gian của người học, theo tôi, có 3 điều cần tránh.
Thứ nhất là tránh trùng lặp về chương trình, tránh thay đổi nội dung chương trình thường xuyên và tránh những kiến thức quá chuyên sâu trong chương trình phổ thông.
Còn đối với giáo dục đại học, quan trọng là thay đổi chương trình. Trong thực tế, sinh viên tốt nghiệp ra trường đang bị các doanh nghiệp đánh giá thấp, phải đào tạo lại.
Như vậy, thời gian học trong trường lâu cũng được, không quan trọng việc phải rút gọn số năm học, mà phải có chương trình dạy sao cho ra trường đảm bảo tìm được việc làm. Không lãng phí thời gian là ở khía cạnh đó.
Ví dụ như ở Đức, thời gian học kỹ sư có khi 7 - 10 năm sao không ai kêu là dài? Nếu rút xuống còn 3 – 5 năm mà chất lượng vớ vẩn thì để làm gì?
Đối với chương trình phổ thông, sao không tập trung vào dạy kỹ năng sống mà cứ tập trung toàn kiến thức “cao siêu”?
Nếu học sinh không học tiếp lên đại học thì mớ kiến thức ấy chỉ có vứt đi, có bao giờ được ứng dụng trong đời sống đâu? Thế là lãng phí thời gian đấy.
Học cho nhiều vào, rồi bây giờ ra đường mà hỏi đố ai còn biết khai căn bậc 2, đố ai còn biết tích phân, đó ai còn giải được bài toán lượng giác, nhớ được đột biến gen? Vậy thì học những thứ đó ở phổ thông làm gì, trong khi kỹ năng sống không có?
Ở các cấp học phổ thông, hãy chú ý đến việc đào tạo nhân cách thay vì nhồi nhét kiến thức. Như thế việc học sẽ nhẹ nhàng hơn và đỡ tốn thời gian của mọi người hơn.
Một mảng rất quan trọng nữa là thể chất. Hãy san thời gian trong lớp cho các hoạt động giáo dục thể chất, nâng cao sức khỏe, sức bền cho học sinh.
Tổng thời gian học phổ thông, đại học có thể vẫn là ngần đấy năm, nhưng phải phân bổ lại chương trình. Và ngay từ đầu phải hướng dẫn học sinh tùy khả năng mà xác định con đường sau này chứ không chỉ cắm cổ vào đại học.
Định hướng sai sẽ làm uổng phí nhiều thời gian nhất.
Ông Trần Đình Lý, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM: Thay đổi cần dài hạn, có lộ trình.
Tôi đánh giá cao thái độ, quan điểm và sự cầu thị trong cách trả lời của bộ trưởng, thể hiện tâm huyết của mình về sự đóng góp cho sự phát triển của ngành giáo dục đào tạo.
Ông Trần Đình Lý |
Phương án thi năm 2017 đã có điều chỉnh theo hướng giảm thời gian, chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và phụ huynh. Các chương trình trình đào tạo và thời gian đào tạo đã có hướng điều chỉnh theo hướng tinh giảm, gọn nhẹ, được xã hội đánh giá cao. Việc Bộ và các trường quan tâm đến đầu ra là rất quan trọng… Những điều này giảm nhiều bất cập, giảm thời gian lãng phí cực lớn.
Tuy nhiên, ngành giáo dục là ngành của số đông, của xã hội, vì vậy mọi việc thay đổi cần mang tầm chiến lược, dài hạn, có lộ trình. Như vậy sẽ giảm những bất cập trong ngắn hạn.
Như trong việc đổi mới thi cử, xét tuyển cần có sự nghiên cứu, đánh giá thực trạng phù hợp, có sự tham gia phản biện của xã hội. Như vậy, chắc chắn sẽ giảm những điều chỉnh trong ngắn hạn, dễ gây bức xúc cho dư luận, đặc biệt người thụ hưởng.
Ông Đỗ Văn Xê, Phó hiệu Trưởng Trường ĐH Cần Thơ: Lãng phí lớn nhất là tạo ra những công việc hành chính làm giáo viên mất nhiều thời gian nên thời gian dành cho việc dạy học ít quá.
Hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông tương đối nặng nề, Bộ cần nghiên cứu để gọn nhẹ lại.
Ông Đỗ Văn Xê |
Mặt khác, những kiến thức ở những cấp học này không nên viết ở mức độ quá cao, dẫn tới việc học sinh học học không hiểu và đối phó. Học mà không hiểu nên phải cố gắng thuộc lòng và sẽ quên đi sau khi thi, đó là lãng phí thời gian của học sinh. Theo tôi những kiến thức này cần được viết gọn lại phù hợp với lứa tuổi của các em.
Tôi cũng thấy một việc lãng phí lớn nghiêm trọng hơn nữa của ngành giáo dục hiện nay là tạo nhiều công việc hành chính làm mất nhiều thời gian của giáo viên nên không còn đủ thời gian dành cho việc giảng dạy. Đây là sự lãng phí lớn nhất ở cả mặt thời gian và tri thức.
...
Trong phiên chất vấn sáng nay, 16/11, nhiều đại biểu nêu câu hỏi về trách nhiệm của ngành giáo dục trước hiện tượng sinh viên ra trường không có việc làm, sinh viên thất nghiệp...gây lãng phí nguồn lực xã hội. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói ngành giáo dục sẽ đột phá vào vấn đề này, phân loại các trường đại học, siết chặt chất lượng đầu vào lẫn đầu ra. Ông cũng giải thích thêm hiện tượng thất nghiệp còn có những nguyên nhân khác như sự phát triển của doanh nghiệp, thị trường. Ở góc độ quản lý, ngành giáo dục đang có những giải pháp như ban hành Khung cơ cấu giáo dục quốc dân, trong đó rút ngắn thời gian học đại học còn 3 - 5 năm thay vì 4 - 6 năm như trước. Công tác phân luồng ở phổ thông sẽ đi vào thực chất. Ở giáo dục phổ thông, ngành giáo dục đang định hướng, rà soát lại chương trình, bỏ bớt những thứ không cần thiết để chương trình nhẹ nhàng hơn... |
Lê Huyền- Ngân Anh (Ghi)