Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị sơ kết, đánh giá tình hình triển khai Quyết định số 1863 của Thủ tướng về trẻ em, do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức trong 2 ngày 16-17/11.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tình hình xâm hại trẻ em tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa phòng ngừa, kiểm soát và kéo giảm so với mục tiêu đặt ra. Thực tế vẫn còn xảy ra các vụ việc bạo lực trẻ em trong gia đình, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Từ năm 2020 đến hết tháng 9/2023, cả nước phát hiện 7.483 vụ, 8.788 đối tượng, xâm hại 7.883 trẻ em. Đáng chú ý trong đó số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm tới hơn 80%.

Đối tượng xâm hại lợi dụng mối quan hệ lệ thuộc về gia đình; mối quan hệ gần gũi, quen biết với trẻ em hoặc lợi dụng mạng xã hội để dụ dỗ, lừa gạt hoặc gây sức ép đối với trẻ em để thực hiện hành vi...

xam hai tinh duc.jpg
Ảnh minh hoạ.

Trong khi đó, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và bản thân trẻ nhỏ chưa được hướng dẫn, giáo dục để có nhận thức, kiến thức đầy đủ, cập nhật về bảo vệ trẻ em.

Ngoài ra việc thông tin, thông báo, tố giác các trường hợp trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại có nơi, có lúc vẫn chưa được kịp thời.

Công tác phối hợp cung cấp, kết nối các dịch vụ bảo vệ trẻ em ở một số địa phương vẫn còn lúng túng; chưa có đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp. Thiếu những quy định cụ thể về trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục, cộng đồng cư dân, các cấp quản lý khi để xảy ra xâm hại trẻ em.

Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Đội trưởng Đội phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, Phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, trong những năm qua, tình hình tội phạm liên quan tới người dưới 18 tuổi mặc dù được kiềm chế nhưng còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là các loại tội bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Lý giải thêm về nguyên nhân các vụ việc xâm hại trẻ em rơi vào tồn đọng kéo dài, do nhiều trường hợp người dân do dự, lưỡng lự, thậm chí chưa tin tưởng vào các cơ quan pháp luật, từ đó không muốn tố giác và cộng tác với cơ quan chức năng. 

Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm của người dân chưa được nhanh chóng, kịp thời. Quá trình xác minh, điều tra, truy tố xét xử thường bị kéo dài, thậm chí gây phiền hà, gây mệt mỏi, hoài nghi cho người dân.

Công tác phối hợp liên ngành trong bảo vệ trẻ em dù đã được các bộ ngành, địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên mới chỉ có 50% trẻ em được tập huấn kỹ năng phòng chống bạo lực học đường.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, trong thời gian tới, cần tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương về công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là bố trí nhân lực làm công tác trẻ em ở cấp huyện và cấp xã, bố trí ngân sách cho công tác trẻ em nói chung, trong đó có công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.