- Năm 2012 tôi đi chấp hành án tại Tổng cục 8. Trong thời gian ấy bố mẹ tôi ở nhà âm thầm chuyển tên sổ đỏ nhà bố mẹ tôi cho chị gái. Nhà tôi có hai chị em, sau thời gian tôi chấp hành án trở về mới biết sự thật này.
Vậy các anh chị cho tôi hỏi việc chuyển đổi tên chủ sổ đỏ của bố mẹ tôi có đúng hợp pháp hay ko? Theo Luật đất đai thì trường hợp của tôi không lẽ bị đi tù mà mất hết quyền lợi? Giờ bố mẹ tôi sống với chị gái, tôi coi như không có chút tài sản gì từ phía bố mẹ.
Tôi mong anh chị sớm giải quyết giúp tôi vấn đề này để tôi có thể yên tâm tiếp tục công việc và cuộc sống! Tôi xin chân thành cảm ơn quý anh chị!
Ảnh minh họa |
Theo thông tin bạn trình bày chưa rõ nên có 2 trường hợp xảy ra:
Trường hợp 1: Nếu quyền sử dụng đất là tài sản hộ gia đình.
Theo Bộ luật Dân sự 2015 Điều 212 Sở hữu chung của các thành viên gia đình
1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.
Căn cứ theo các quy định trên, nếu ngôi nhà bố mẹ bạn chuyển quyền sở hữu sang cho chị gái bạn là tài sản chung của hộ gia đình, tức là trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi ngôi nhà thuộc sở hữu chung của hộ gia đình thì khi định đoạt ngôi nhà phải có sự thỏa thuận của các thành viên có chung quyền sở hữu. Bố mẹ bạn muốn định đoạt ngôi nhà thì phải có sự đồng ý của bạn.
Trường hợp 2: Nếu ngôi nhà thuộc sở hữu chung của bố mẹ bạn.
Điều 213 BLDS năm 2015 Sở hữu chung của vợ chồng:
1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia.
2. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
3. Vợ chồng thỏa thuận hoặc ủy quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
4. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của Tòa án.
5. Trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng được áp dụng theo chế độ tài sản này.
Trong trường hợp nếu ngôi nhà thuộc sở hữu chung của bố mẹ bạn, thì việc định đoạt tài sản chung không cần thông qua ý kiến của bạn.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, HN.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc
Mua đất không sổ đỏ ẩn chứa nhiều rủi ro
Gia đình tôi chuẩn bị mua 1 mảnh đất 9*20 (180m2) tại khu tái định cư của ông A. Khu đất này được UBND xã cấp cho ông A theo diện đền bù vì nhà ông A lấy đất lại để dùng cho dự án khu công nghiệp.
Đất dư thừa so với sổ đỏ: làm thế nào để hợp thức hóa?
Năm 2013, tôi có mua một mảnh đất 5x21m. Đây là diện tích được công nhận trong sổ. Tuy nhiên, phần cuối mảnh đất còn dư ra 5m2 làm sao để hợp thức hóa?
Bố mẹ chồng bị kiện vì không cho con dâu thế chấp sổ đỏ
Tôi cho vợ chồng người con trai một mảnh đất làm nhà, sổ đỏ đứng tên con trai tôi. Chưa đầy 1 năm sau khi con tôi mất, con dâu đòi cầm sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng để trang trải cuộc sống.