DishBrain có thể chơi được Pong sau khoảng 20 phút huấn luyện. Ảnh: DishBrain. |
"DishBrain" là thử nghiệm mới của các nhà khoa học tại Cortical Labs, công ty về khoa học thần kinh ở Australia. Đây thực ra là một mạng lưới các tế bào thần kinh được nuôi lớn trên một con chip máy tính và có khả năng tương tác với thế giới bên ngoài thông qua con chip đó.
DishBrain hiện có kích thước chỉ bằng móng tay út và có ít nhất hơn 100 triệu tế bào thần kinh. Não người có khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh.
Để cho thấy công nghệ này có thể làm được những gì, Brett Kagan, giám đốc khoa học của Cortical Labs, và các cộng sự đã dạy DishBrain chơi Pong. Được tạo ra vào năm 1972, Pong là một trong những trò chơi điện tử đầu tiên. Trò chơi này gồm 2 tấm “ván” ở 2 đầu màn hình, người chơi điều khiển hai tấm ván này để đánh một quả bóng qua lại.
DishBrain có vùng “cảm giác”, thu nhận tín hiệu từ thế giới, và vùng “vận động", điều khiển phản ứng đầu ra. Trong vùng cảm giác, 8 điện cực truyền điện vào các tế bào thần kinh để thông báo vị trí của tấm ván và quả bóng. Vùng vận động thu nhận tín hiệu từ tế bào để điều khiển chuyển động của tấm ván trên màn hình trò chơi.
Phiên bản Pong này chỉ có một tấm ván, và chỉ cần điều khiển tấm ván đập bóng qua lại với một bức tường.
DishBrain sẽ bị giật điện vào vùng cảm giác nếu đánh trượt bóng. Vì vậy, dần dần các tế bào thần kinh loại bỏ tất cả các chuyển động tấm ván dẫn đến đánh trượt, và chỉ để lại các chuyển động đánh trúng bóng.
Các tế bào thần kinh mất khoảng 20 phút để học cách chơi Pong. Cortical Labs đã thử tạo ra các DishBrain khác nhau từ tế bào thần kinh của người và chuột. Các DishBrain tạo ra từ tế bào người thường học chơi nhanh hơn.
Kagan hy vọng rằng lợi ích của DishBrain sẽ vượt ra ngoài Pong, bằng cách giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn cơ chế học và xử lý thông tin của các tế bào thần kinh, hoặc giúp tạo ra các quy trình tính toán lấy cảm hứng từ sinh học.
Theo Zing