Thông tin do GS.TS Trần Văn Thuấn chia sẻ tại hội nghị triển khai Nghị định 75 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 146/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Hội nghị do Bộ Y tế tổ chức ngày 16/11.

Tại hội nghị, nhiều cơ sở y tế, sở y tế báo cáo việc chưa được quyết toán số tiền khám chữa bệnh BHYT do thực hiện theo quy định cũ. Đơn cử, Sở Y tế Bình Định báo cáo con số này tại địa phương là 42 tỷ đồng, Cần Thơ là 10 tỷ đồng. Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế báo cáo số tiền BHYT chưa được quyết toán là 57 tỷ đồng. 

Bất cập trong quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHY khiến chậm quyết toán này khiến các bệnh viện chậm trễ chi trả các gói thầu vật tư y tế, thuốc, ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh và quyền lợi của người bệnh.  

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, cho biết thống kê sơ bộ, tổng số tiền BHXH Việt Nam chưa quyết toán cho các cơ sở khám, chữa bệnh là khoảng 7.000 tỷ đồng trong 3 năm 2019, 2020 và năm 2022.

Theo ông Phúc, ngoại trừ năm 2021 thực hiện Nghị quyết 144, BHXH Việt Nam đã thực hiện thanh toán đối với chi phí vượt tổng mức, với 3 năm còn lại (2019, 2020 và 2022), BHXH Việt Nam đang yêu cầu BHXH các tỉnh, thành rà soát, tổng hợp, đánh giá, phân tích, giám định để tiến hành thanh toán cho các cơ sở khám chữa bệnh.

"Chúng tôi đang đôn đốc thực hiện, đảm bảo đến năm 2023 sẽ thực hiện thanh toán theo quy định của Nghị định 75", ông Phúc cho biết.

ong Phuc.png
Ông Lê Văn Phúc cho biết thống kê sơ bộ, tổng số tiền BHXH Việt Nam chưa quyết toán cho các cơ sở khám, chữa bệnh là khoảng 7.000 tỷ đồng trong 3 năm 2019, 2020 và năm 2022. Ảnh: Trần Minh

Theo ông Phúc, quy định của Nghị định 75 đã cho phép thay đổi phương thức thanh toán dịch vụ khám chữa bệnh BHYT. Theo đó, thay vì quy định tổng mức thanh toán BHYT đối với các cơ sở khám chữa bệnh, sẽ thực hiện thanh toán theo giá dịch vụ thực tế mà cơ sở khám chữa bệnh triển khai.

Tổng mức thanh toán được hiểu là giới hạn chi quỹ BHYT của cơ sở khám chữa bệnh trong thời gian 1 năm. Mức này được căn cứ vào mức chi của năm trước cộng với chi phí tăng, giảm của năm sau.

Theo quy định cũ, chi phí BHYT mà cơ sở khám chữa bệnh được thanh toán luôn thấp hơn chi phí khám chữa bệnh thực tế, do nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng. Vì vậy, nhiều cơ sở khám chữa bệnh không được thanh toán BHYT đầy đủ. 

Với Nghị định 75, các dịch vụ khám chữa bệnh BHYT sẽ được thanh toán theo nhu cầu thực tế. Điều này có nghĩa là cơ sở khám chữa bệnh cung cấp dịch vụ kỹ thuật, thuốc, hoá chất, vật tư nào cho người bệnh sẽ được thanh toán thứ đó theo mức giá quy định hiện hành.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đánh giá việc bỏ tổng mức thanh toán là "thay đổi quan trọng nhất" trong Nghị định 75. Các cơ sở y tế rất vui mừng vì quy định này.

"Trước đây, các bác sĩ vừa phải tính toán phác đồ điều trị vừa dành nhiều thời gian phải cân đo đong đếm để làm sao không vượt định mức bệnh viện và khoa giao. Đây là việc hết sức vất vả cho bác sĩ điều trị, vô hình chung ảnh hưởng đến chuyên môn", ông Thuấn nhấn mạnh. 

Nhiều đổi mới trong thủ tục khám chữa bệnh BHYT

Theo ông Lê Văn Phúc, trước đây, người dân đi khám chữa bệnh BHYT thì cần xuất trình thẻ BHYT có ảnh, trường hợp không có ảnh thì phải xuất trình kèm theo một trong các giấy tờ tuỳ thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp.

Nghị định 75/2023 quy định, khi khám chữa bệnh BHYT, người dân có 3 lựa chọn gồm: xuất trình thẻ BHYT có ảnh hoặc thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh nhân thân hoặc sử dụng căn cước công dân có gắn chip.

Đối với giấy hẹn khám lại, nếu như trước đây quy định loại giấy tờ này chỉ dùng trong 10 ngày thì với quy định mới, nếu không thể tái khám đúng hẹn, người dân có thể liên hệ với cơ sở khám chữa bệnh để đăng ký lại lịch khám phù hợp.

Nghị định cũng bổ sung, nâng mức hưởng BHYT của một số nhóm đối tượng.