Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định vẫn có doanh nghiệp lợi dụng gói vay 30.000 tỷ. |
Báo cáo trước Quốc hội sáng nay (3/11), bên cạnh thông tin hiện tại gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã được giải ngân rất nhanh nhưng tới đây cũng sẽ hết khi nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở bình dân cạn, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết thêm, trong quá trình giải ngân có hiện tượng một số doanh nghiệp lợi dụng gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để trục lợi, còn đối tượng chính của gói hỗ trợ là người thu nhập thấp lại gặp khó khăn khi tiếp cận gói vay này.
Thực tế, đối với nhà ở xã hội, dành cho đối tượng cụ thể là cán bộ công chức, viên chức và người có thu nhập thấp, sau 5 năm mới được chuyển nhượng, việc hạ giá bán chính thức để thu phí ngoài đương nhiên phạm luật. Tuy nhiên, đối tượng được vay gói 30.000 tỷ đồng không chỉ có người mua nhà ở xã hội mà còn có nhà ở thương mại, là những căn hộ có tổng giá trị hợp đồng dưới 1,05 tỷ đồng hoặc có diện tích nhỏ hơn 70m2.
Theo tin tức từ Báo Đầu tư Bất động sản, tại TP. HCM, có thông tin về việc chủ đầu tư hạ giá bán để khách hàng đủ điều kiện hưởng gói vay ưu đãi và thu tiền chênh lệch ngoài luồng tại một số dự án nhà ở thương mại có áp dụng gói vay 30.000 tỷ đồng. Đơn cử như Dự án Tecco Green Nest (Quận 12), có thông tin cho biết, chủ đầu tư đã hạ giá bán nhằm đáp ứng được điều kiện của gói 30.000 tỷ đồng, sau đó thu tiền chênh lệch ngoài từ 40 - 50 triệu đồng.
Mặt khác, sự ưu đãi cho gói vay 30.000 tỷ với mức lãi vay 5%/năm trả trong vòng 15 năm đang có dấu hiệu bị lợi dụng, khi có chuyện tách hợp đồng mua nhà ở xã hội. Cụ thể, thủ đoạn "lách luật" được sử dụng là yêu cầu khách hàng đóng trực tiếp cho chủ đầu tư phần tiền chênh lệch vượt quá khoản được hưởng ưu đãi trong gói 30.000 tỷ. Như vậy, chủ đầu tư vừa có thể bán được nhà, lại vừa "lách" được thuế. Bởi lẽ, phần chênh lệch ngoài hợp đồng cả trăm triệu đồng là các khoản thu ngoài sổ sách doanh nghiệp không kê khai và đóng thuế.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, trên cơ sở ý kiến phát biểu thảo luận tại phiên họp, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo rà soát kỹ quy trình cho vay, việc giải ngân vốn vay đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định và sẽ phối hợp với các địa phương kiểm tra các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, trước hết là ở những địa phương mà báo chí phản ánh, xử lý nghiêm các vi phạm.
Khi được hỏi về hiện tượng “lách luật” để hưởng lợi từ chính sách, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng từng khẳng định Bộ Xây dựng cũng nhận được thông tin, do vậy, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra.
“Quan điểm của tôi là gói tín dụng này phải đến đúng đối tượng. Ai làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm. Bộ Xây dựng kiên quyết không để xảy ra tình trạng lợi dụng gói 30.000 tỷ đồng làm lợi cho cá nhân hoặc bộ phận nào đó. Quan trọng nhất là đảm bảo lợi ích cho người dân chưa có nhà ở nhưng không có khả năng mua nhà ở theo cơ chế thị trường. Việc xử lý những vi phạm nếu có sẽ theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng chia sẻ
Theo Người đưa tin