Thông tin được đưa ra tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư Ngày mai tươi sáng (Bộ Y tế), tối 14/12 tại Hà Nội. 

Theo các chuyên gia, một thực tế đáng buồn tại Việt Nam là đa số bệnh nhân ung thư đến khám khi bệnh ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị khó khăn, tốn kém. Hầu hết họ là những người có hoàn cảnh khó khăn. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin những năm qua, ngành y tế đã có rất nhiều nỗ lực và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội trong công tác phòng chống ung thư, đào tạo phát triển nguồn nhân lực và đặc biệt là đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng.

Khám và sàng lọc phòng chống ung thư vú - hoạt động thường niên được khởi xướng từ 2013, tổ chức bởi Bộ Y tế, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng.

Tuy nhiên, việc phòng chống ung thư là thách thức lớn đối với y học bởi điều trị căn bệnh hiểm nghèo này đòi hỏi kiến thức, kỹ thuật chuyên môn hiện đại, cập nhật liên tục. 

Bên cạnh đó, phòng chống ung thư còn cần sự nỗ lực không ngừng của bản thân người bệnh, gia đình và cần có chung tay giúp đỡ vật chất và tinh thần của cả xã hội. 

Cũng theo Bộ trưởng Y tế, người bệnh ung thư phải đương đầu với khó khăn thử thách, đặc biệt các trường hợp không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). 

Nhiều bệnh nhân không thể tiếp cận các liệu pháp hiệu quả cao cũng như không đủ khả năng để theo đuổi các phương pháp điều trị tiên tiến nếu không có hỗ trợ tài chính kịp thời. Ung thư cũng tạo ra gánh nặng lớn cho gia đình người bệnh và hệ thống y tế nói chung.

"Là những người được giao trọng trách trực tiếp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, chúng tôi thực sự xót xa, trăn trở khi chứng kiến nhiều trẻ nhỏ phải vĩnh viễn rời xa việc học tập, vui chơi cùng bạn bè và không thể tiếp tục chạy chữa do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn”, bà Đào Hồng Lan cho biết.

Người đứng đầu ngành y tế cũng chia sẻ về nhiều trường hợp nhân viên y tế phải tự quyên góp để cho người bệnh ung thư có tiền tiếp tục được điều trị, ăn, ở và đi lại.

Vì vậy, cách đây 10 năm, quỹ Ngày mai tươi sáng được thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhằm hỗ trợ chăm sóc, điều trị bệnh nhân ung thư nghèo, hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ về ung thư.

Hơn 10 năm qua, quỹ đã vận động, tổ chức hỗ trợ điều trị và tặng quà cho gần 33.000 bệnh nhân ung thư nghèo trên toàn quốc, trị giá gần 54 tỷ đồng.

Ngoài ra, quỹ đã và đang hỗ trợ thuốc điều trị ung thư cho bệnh nhân trị giá hơn 1.100 tỷ đồng; tổ chức khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư cho gần 76.000 người dân trị giá gần 41 tỷ đồng. Cùng với đó, quỹ cũng đã tổ chức các chương trình, các diễn đàn phòng, chống ung thư với tổng kinh phí hơn 6,1 tỷ đồng...

Đặc biệt, thông điệp của quỹ "ung thư không phải là dấu chấm hết" cũng đã trở thành động lực cho nhiều bệnh nhân trong cuộc chiến trường kỳ với căn bệnh này.

“Chúng tôi đặc biệt mong muốn toàn thể xã hội chung tay đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng người dân: Ung thư không phải là căn bệnh vô phương cứu chữa, ung thư - biết sớm trị lành”, Bộ trưởng Y tế khẳng định.

Hiểm họa ma túy ‘núp bóng’ thuốc lá điện tử

Hiểm họa ma túy ‘núp bóng’ thuốc lá điện tử

"Các bạn cũng truyền tai nhau rằng ở trong đó có heroin. Thậm chí, có trường hợp trẻ từng đi cấp cứu tại bệnh viện, sau khi về nhà vẫn tiếp tục sử dụng vì đã nghiện”, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh, Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết.