Chiều 4/11, tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.

Liên quan đến ý kiến đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc in, phát hành sách giáo khoa có lợi ích nhóm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong vài năm qua, ngành giáo dục đã chấn chỉnh rất nhiều vấn đề này.

kim son bo truong.jpeg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: QH

Theo ông Sơn, cũng có một vài người liên quan đến việc tổ chức đấu thầu giấy, in, phát hành sách phạm pháp. Những người này đã bị bắt, bị xử lý.

"Một số cá nhân liên quan đã bị khởi tố, bắt giam để điều tra. Mong đại biểu chỉ rõ còn những nhóm nào theo đuổi lợi ích không hợp pháp, chỉ rõ nhóm này ở đâu để chúng tôi phối hợp với Bộ Công an, Viện Kiểm sát lại bắt tiếp", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận, tranh luận rất sâu sắc, thực tế với những luận giải sắc bén liên quan đến sức khỏe học sinh; việc phân luồng; nghiên cứu khoa học trong trường đại học; trẻ em tự kỷ; tài liệu giáo dục địa phương; phát triển tiếng Anh; quy hoạch giáo dục…

Về việc tháo gỡ khó khăn cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên sau sáp nhập, ông Sơn thừa nhận đây là vấn đề khó, vướng mắc đang có thực.

Theo ông Sơn, hiện cả nước có 92 trung tâm thuộc quản lý của Sở GD&ĐT, 526 trung tâm do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc UBND quận, huyện, thị xã quản lý.

Ông Sơn cho rằng, vấn đề chủ thể quản lý, điều hành hiện nay đang rất đa dạng. Trong các văn bản quy định có Thông tư 39 quy định về quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và Luật Giáo dục ra đời lại quy định về chức năng, nhiệm vụ quản lý.

Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 01 để làm căn cứ pháp lý để quản lý hệ thống các trung tâm này. Tuy nhiên vẫn còn một số điểm vướng...

Trước đó phát biểu về vấn đề in ấn sách giáo khoa, đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) cho biết, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được triển khai thực hiện đã gần 4 năm. Tuy nhiên, việc in ấn, phát hành sách giáo khoa còn nhiều hạn chế.

Hiện nay còn nhiều địa phương chưa in, phát hành được tài liệu giáo dục địa phương, học sinh được gửi bằng bản PDF trên thiết bị hoặc tự in từ bản PDF để học. Đại biểu cho rằng, nguyên nhân của vấn đề trên là do vướng mắc về xác định bản quyền, thẩm định giá và đấu thầu in ấn, phát hành.

Đại biểu Luyến cho hay nội dung này đã được đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2019 chỉ ra và đến nay vẫn chưa giải quyết được.

Theo đại biểu, để tháo gỡ khó khăn trong việc in ấn, phát hành tài liệu giáo dục, địa phương, cần một quy trình đơn giản cho các địa phương để triển khai thực hiện. Nếu cứ áp dụng các quy định của hệ thống luật, nghị định, thông tư thì trong nhiều năm tới vẫn chưa tháo gỡ được vướng mắc liên quan đến nội dung này.

Chiết khấu sách giáo khoa lên đến 30% có bất thường?

Chiết khấu sách giáo khoa lên đến 30% có bất thường?

Bán cả sàn chung cư chỉ được chiết khấu 3-4%, bất động sản nghỉ dưỡng là sản phẩm khó bán được chiết khấu cao nhất hơn 10%... lãnh đạo công ty bất động sản rất bất ngờ về thông tin sách giáo khoa chiết khấu tới gần 30%.