Rủi ro hơn lợi ích?

Rất nhiều độc giả cũng bày tỏ sự lo ngại về sự xuất hiện của bộ SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn sẽ khiến chủ trương xã hội hóa SGK không đạt được. "Đã mất nhiều năm để xã hội hóa SGK như hiện nay, xin đừng quay lại nữa", "Trước đây, chúng ta lo lắng về sự độc quyền, giờ lại quay lại "độc quyền" kiểu khác hay sao?"... là những ý kiến gửi về VietNamNet.

Độc giả Ngụy Tâm Phước bày tỏ: "Các nhà xuất bản của các bộ SGK hiện cũng phải đã dựa trên một cái khung quy định của Bộ GD-ĐT để biên soạn sách, sau khi biên soạn còn phải kiểm duyệt chứ đâu phải muốn đưa cái gì vào cũng được. Do đó, việc đưa thêm một bộ SGK nữa chỉ để tham khảo là lãng phí và không cần thiết.

Biên soạn thêm một bộ sách nữa để dễ lựa chọn cho con em học càng không được. Có thấy giải đấu thể thao nào ban tổ chức cũng có một đội tham dự hay không?".

Học sinh lớp 10 năm học 2022-2023 học SGK được biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Thanh Hùng

Trong khi đó, độc giả Nguyễn Quang Huỳnh thẳng thắn nhận xét: "Tôi nghĩ việc có thêm một bộ SGK gắn mác Bộ GD-ĐT là mang nhiều rủi ro hơn lợi ích. Chắc chắn, nếu có bộ sách này, các trường và ngay cả học sinh sẽ lựa chọn SGK của Bộ mà chưa chắc đã lựa chọn theo chất lượng thực tế.

Ngay cả hội đồng thẩm định chưa chắc đã khách quan trong việc đánh giá chất lượng bộ sách của Bộ biên soạn.

Chưa kể rủi ro lớn hơn là lặp lại thế độc quyền và thầy cô cũng như học sinh mất đi kỹ năng lựa chọn, sự chủ động và sáng tạo trong việc giảng dạy và học tập theo Chương trình 2018".

Theo độc giả này, có lẽ Bộ GD-ĐT nên cân nhắc soạn bộ sách đó sau năm 2025-2030.

"Để đánh giá hiệu quả của việc làm hiện tại cho thấu đáo hơn, để thị trường sách ổn định hơn, để các công ty biên soạn sách hiện tại ổn định và có tính cạnh tranh cao hơn. Đặc biệt, để kỹ năng lựa chọn sách, kỹ năng giảng dạy và học tập khi có nhiều đầu sách của thầy và trò tốt hơn" - anh Huỳnh đề xuất.

Chất lượng ở đội ngũ giảng dạy, không nằm trên cuốn SGK khổ lớn, in đẹp

Ở một dòng ý kiến khác, dù đồng tình với việc Bộ GD-ĐT nên biên soạn 1 bộ SGK, nhưng các độc giả lại có những góc nhìn khác nhau.

Một độc giả đưa ý kiến: "Từ lớp 1 đến lớp 12 toàn dạy những kiến thức cơ bản, cần gì phải nhiều bộ sách, trong khi nội dung cốt lõi không có gì thay đổi. Sự sáng tạo nằm ở người dạy học chứ không nằm ở SGK. Nhiều bộ sách chỉ khiến các giáo viên mất thêm thời gian tìm hiểu, tập huấn, soạn, chỉnh sửa lại giáo án mỗi khi đổi bộ sách khác.

Cái cần ở đây là cần giảm tải những kiến thức giảng dạy, xác định cái gì thực sự cần cái gì không rồi từ đó dành thêm thời gian cho những tiết ngoại khoá, các hoạt động tư duy sáng tạo. Việc đổi mới chương trình dạy chỉ cần thiết ở bậc đại học khi mà kiến thức, các kỹ năng xã hội cần thiết cho công việc thay đổi liên tục". 

"Nên có một bộ SGK của Bộ GD-ĐT biên soạn, ngân sách nhà nước chi ra mua bản quyền, làm bản điện tử cung cấp miễn phí trong toàn quốc. Việc này sẽ giảm gánh nặng chi phí xã hội, giảm đi lãng phí vô cùng to lớn: đầu năm mua giá cao, cuối năm bán giá giấy vụn 2.000/kg" - một độc giả khác đưa quan điểm.

"Khi có SGK điện tử miễn phí, học phí có thể tăng thêm bằng 2/3 giá SGK hiện tại. Nguồn thu này đưa vào phụ cấp, bồi dưỡng cho lực lượng giáo viên để họ tăng thu nhập, cải thiện đời sống, ổn định tinh thần, tâm huyết với nghề. Khi đó, cả xã hội tập trung vào lo cho lực lượng giáo viên.

Chất lượng giáo dục là nằm ở đội ngũ giảng dạy chứ không nằm trên cuốn SGK khổ lớn, chất lượng in đẹp" - vị này khẳng định.

Độc giả Đỗ Quang cho rằng nên có một bộ SGK dán nhãn Nhà nước, đưa lên mạng cho học sinh thoải mái khai thác, đỡ được tiền mua sách.

"Kiến thức phổ thông cũng chỉ cần kiến thức phổ cập trong bộ sách đó là ổn rồi. Sáng tạo gì thêm nên dành cho đổi mới giáo trình ở các trường đại học, đó mới là tư duy cốt lõi cho đổi mới giáo dục.

Mọi người cứ ríu rít với SGK bộ nọ bộ kia, nhưng theo tôi tình trạng giáo viên đang quá thiếu mới là mối lo lớn".

Phân tích sâu hơn, độc giả Phạm Văn Hoan cho rằng: "Nên chăng cần đánh giá khách quan, sau đó nếu cần thiết - dù đau xót - vẫn phải làm lại Chương trình Giáo dục phổ thông. Khi đó nên biên soạn 1 bộ SGK do Bộ GD-ĐT chủ trì, các NXB đấu thầu cung cấp.

Mặc dù nói Chương trình Giáo dục phổ thông là pháp lệnh, SGK chỉ là tài liệu tham khảo, nhưng chỉ đúng với các nền giáo dục phát triển. Hệ thống đào tạo giáo viên của họ rất tốt, do đó năng lực của giáo viên mới đủ để không phụ thuộc sách giáo khoa. Còn ở Việt Nam chưa được như vậy.

Học phương Tây, nhưng cũng cần biết các điều kiện đảm bảo thực hiện được như họ. Đó là giáo viên, cơ sở vật chất và ý thức hệ của người dân về bằng cấp cũng như cách sử dụng con người theo tiêu chí nào...

Hiện nay, mình đang giải quyết các ngọn. Chương trình Giáo dục phổ thông thay đổi, nhưng chưa đào tạo giáo viên theo sự thay đổi đó. Cơ sở vật chất của các trường phục vụ giảng dạy còn rất nghèo nàn. Trong chương trình, nhiều môn học có nhiều nội dung không cần thiết, làm chương trình nặng thêm.

Do đó, về cơ bản có thể thấy rằng Chương trình Giáo dục phổ thông hiện nay chưa phù hợp, cần thay đổi vấn đề là thời điểm nào?".