- Nói về chuyển động ấn tượng nhất của năm 2014, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đánh giá đó là thay đổi trong thái độ, nhận thức, chuyển từ việc coi học sinh là người bị động, thầy chủ động sang sự chủ động của học sinh, vì quyền lợi học sinh.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 tổ chức sáng 12/8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khái quát năm học vừa qua ngành giáo dục đã hoàn thành toàn diện kế hoạch năm học, có một số điểm sáng.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu sáng 12/8 (Ảnh: Văn Chung).

Đáng chú ý là chất lượng giáo dục có bước tiến được nhiều tổ chức đánh giá có uy tín trên thế giới đánh giá tốt. Cho rằng đây là dấu hiệu đáng mừng song lãnh đạo ngành chia sẻ “Đây chỉ là những bức chân dung tĩnh của sự vận động phát triển, không thể hiện hết mọi mặt của một con người” nên không thể chủ quan, tự mãn."

“Nhưng cũng cần biết được thông tin đó để chúng ta thêm tự tin thành quả giáo dục Việt Nam do công sức nhiều thế hệ thầy cô, học sinh sinh viên tạo nên” – Bộ trưởng nói.

Theo ông Luận “Nhìn nhận lại sau 2 năm triển khai, Nghị quyết 29 đã đi vào cuộc sống, nhận thức của thầy cô, cán bộ quản lí giáo dục, học sinh sinh viên, các cấp ủy đảng và nhân dân đã thay đổi. Dù đây mới là kết quả bước đầu, còn xa mới đạt được mục tiêu và những gì Nghị quyết 29 nêu”.

Nói về năm học 2014 - 2015, Bộ trưởng đánh giá chuyển động ấn tượng nhất là sự “Thay đổi thái độ, nhận thức của chúng ta - chuyển từ việc coi học sinh là người bị động, giáo viên là người chủ động sang sự chủ động của học sinh, vì quyền lợi học sinh, tạo thuận lợi cho xã hội, thí sinh và nhận phần khó về phần mình”.

Năm học mới, theo Bộ trưởng, cần triển khai mọi việc “đồng bộ hơn, toàn diện hơn, mạnh mẽ hơn”. Trong đó cần đổi mới tư tưởng, nhận thức cho ngang tầm với Nghị quyết 29, trước hết là trong các thầy cô, học sinh và cán bộ ngành. Trên cơ sở đó tạo ra chuyển biến của xã hội.

“Có những việc mà chúng ta hô hào, nói mãi, nhưng mọi người vẫn chưa rõ” - Bộ trưởng lấy ví dụ từ chuyện rút hồ sơ xét tuyển đại học.

{keywords}
Thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. (Ảnh: Lê Anh Dũng).

“Có những bài báo có tiêu đề rất mạnh mẽ như "Thí sinh ào ạt rút hồ sơ". Nhưng thực chất của việc đó là thế nào? Nếu mọi chuyện diễn ra phức tạp, rối rắm đúng như thế thì gay go rồi. Nhưng chuyện rút hồ sơ đã nằm trong tính toán của Bộ. Chúng ta cho phép một sự dao động để các cháu không bị trượt oan, có điểm cao mà trượt. Năm ngoái trở về trước việc nộp hồ sơ ĐKXT khá tù mù, điểm cao cũng không thể vào các trường cao nữa, nhưng năm nay thì khác. Đánh giá như vậy thì vỡ trận rồi cũng là một cách đánh giá, nhưng chắc chắn cách đánh giá đó không phải theo tinh thần Nghị quyết 29”.

Bộ trưởng nói: “Nếu lo lắng, thì trước đây cũng lo. Năm ngoái lo nhưng chịu chết. Cháu nào điểm thấp vào được đại học rồi thì sung sướng, thở phào. Cháu nào điểm cao nhưng trượt thì phải chấp nhận. Giờ nỗi lo đã khác, là phải cập nhật được nhưng để làm chủ số phận của mình, tránh được oan ức. Các trường nhận được học sinh giỏi. Vậy có rối không?

Nếu ai đó muốn quay trở lại con đường cũ thì cứ nộp hồ sơ vào một trường, đừng xem gì nữa cả và thấp thỏm nỗi lo may rủi như những năm trước rồi chờ. Con đường cũ vẫn mở thênh thang như vậy đấy.

Những ai muốn làm chủ số phận, không chấp nhận may rủi, tự quyết định con đường đi của mình thì phải lo. Một trong những nhiệm vụ của chúng ta là từng bước giúp các cháu tự lo cho bản thân, sau lo cho ông bà cha mẹ rồi mới lo cho Tổ quốc”.

Bộ trưởng cũng cho rằng nếu đem cách tiếp cận cũ để đánh giá vấn đề, hiện tượng mới, mà hiện tượng mới này đã thay đổi căn bản rồi thì “vô tình chúng ta trở thành người cản trở sự thay đổi”.

Nhắc về việc Bộ GD-ĐT đã có văn bản đề nghị các sở GD-ĐT, các trường THPT, các trường ĐH giúp đỡ thí sinh ở những vùng khó thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH - Bộ trưởng đề nghị các trường nối mạng để thí sinh kịp thời cập nhật, xem kết quả.

Hệ thống thông tin của Bộ sẽ tập hợp, chuyển kết quả ngay lập tức đến các địa chỉ cần thiết.

  • Văn Chung – Ngân Anh