Cần có những cơ chế đặc thù cho các xã miền núi

Tại hội nghị trực tuyến đôn đốc hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2024, chiều 23/10, ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, thông tin, tính đến ngày 20/10, cả nước có 6.320/8.162 xã đã được chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt quyết định xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2.182 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 480 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Có 296 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 11 huyện được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương là 5 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 

Theo ông Sơn, những con số này minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của các địa phương trong việc nâng cao chất lượng đời sống, hạ tầng cơ sở và phát triển kinh tế nông thôn thời gian qua.

W-nong-nghiep-cong-nghe-cao-1.jpg
Đưa những mô hình kinh tế có giá trị gia tăng cao gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. 

Chia sẻ về quá trình xây dựng NTM, ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - cho biết, tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc đạt các tiêu chí NTM kiểu mẫu, đặc biệt là ở các xã miền núi. Ngoài ra, các xã chưa đạt chuẩn NTM chủ yếu thuộc vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế. 

Do đó, lãnh đạo tỉnh Nghệ An kiến nghị Ban chỉ đạo Trung ương đề xuất Chính phủ cần có những cơ chế đặc thù để tạo động lực cho các xã nghèo, khó khăn đạt các tiêu chí về giáo dục và giảm nghèo; xem xét các chế độ hỗ trợ riêng cho khu vực miền núi. 

Trong các vấn đề cần ưu tiên, ông Đệ nhấn mạnh đến việc đầu tư nước sạch cho khu vực nông thôn. Bởi,đây là một trong những tiêu chí về môi trường mà các xã miền núi đang gặp nhiều trở ngại.

Ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho hay, với 116 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 27 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, tỉnh này đang dẫn đầu nhiều chỉ tiêu về phát triển nông thônmới. 

Tuy nhiên, huyện Mường Lát của tỉnh này vẫn là một trong những khu vực "trắng" xã NTM. Nguyên nhân do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và ảnh hưởng của thiên tai. Theo đó, ông kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét hỗ trợ để địa phương có thể vượt qua khó khăn và hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.

Đưa mô hình kinh tế có giá trị gia tăng gắn với NTM

Sau khi lắng nghe chia sẻ từ các địa phương, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, chương trình NTM không chỉ đơn thuần là việc đạt chuẩn các tiêu chí mà còn mang lại sức sống mới cho vùng nông thôn Việt Nam. 

Do đó, Bộ trưởng đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương nỗ lực, không để xảy ra tình trạng các xã bị “trắng” NTM. Cùng với đó, quyết liệt triển khai thực hiện chương trình NTM ở tất cả các cấp, các ngành đểhoàn thành mục tiêu đề ra trong năm nay.

W-le-minh-hoan-1.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý các địa phương cần phát huy nội lực nông thôn. 

Ông cũng yêu cầu đẩy mạnh thực hiện, nâng cao chất lượng thẩm định địa phương đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Các địa phương khẩn trương hoàn thành phê duyệt chi tiết dự án, đề án, kế hoạch thực hiện các mô hình thí điểm thuộc các chương trình chuyên đề để có cơ sở bố trí nguồn lực và tổ chức triển khai, thực hiện ngay trong năm 2024. 

Về việc thực hiện các tiêu chí, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương sớm hoàn thành các danh mục cũ để đảm bảo tiến độ. “Cần quyết tâm cao độ trong việc thúc đẩy chương trình này, tương tự như chương trình Chấn hưng nông thôn của Trung Quốc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo ông, chương trình NTM của Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức độ điều phối giữa các cơ quan. Do đó, ông mong rằng sẽ có sự phối hợp mạnh mẽ hơn để đưa chương trình NTM phát triển sâu rộng và bền vững hơn nữa.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình ở các cấp, các ngành, đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu đối với các xã, huyện sau khi công nhận đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng yêu cầu Văn phòng Điều phối NTM Trung ương tiếp thu các ý kiến tại hội nghị để có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng NTM của các địa phương.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng lưu ý các địa phương cần phát huy nội lực nông thôn. Ban chỉ đạo NTM các cấp cần vượt ra khỏi vai trò “chấm điểm, đánh giá” để trở thành những nhà tư vấn, hỗ trợ cho các làng, xã phát triển kinh tế đa mục tiêu. 

Có thể đưa những mô hình hiệu quả, có giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng NTM như du lịch nông thôn, thúc đẩy liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP…, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý.