Chia lửa với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại phiên chất vấn của Quốc hội vào chiều 8/6, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thông tin thêm một số vấn đề đại biểu đặt ra liên quan đến thị trường bất động sản.

Nhà ở cao cấp dư thừa, nhà ở xã hội thiếu

Ông Nghị cho biết, trong năm 2021 và quý 1 năm 2022, thị trường bất động sản vẫn có nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng đã thích ứng và từng bước có nhiều chuyển biến, đã có dấu hiệu phục hồi và phát triển.

Bộ trưởng Xây dựng nhìn nhận, bên cạnh những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo an sinh xã hội, thị trường bất động sản đang bộc lộ các hạn chế, bất cập, có những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh.

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Cụ thể như hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn bất cập cần sửa đổi để thống nhất, trong đó có  việc xác định giá đất…

Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn cung bất động sản, cả nguồn cung nhà ở thương mại, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, du lịch, nghỉ dưỡng.

“Phổ biến là các phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa. Trong khi đó thiếu gay gắt nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình”, Bộ trưởng Xây dựng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho hay, giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân. Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp càng khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở.

Ông cũng cảnh báo, các sàn giao dịch bất động sản hoạt động thiếu ổn định; hoạt động môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt.

Trong khi đó, công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và thị trường bất động sản tại các địa phương có tồn tại, bất cập.

“Một số địa phương có hiện tượng tách thửa, phân lô bán nền không đúng quy định, không phù hợp quy hoạch, thiếu hạ tầng nhưng chưa được kiểm tra; công tác thông tin, công khai minh bạch về quy hoạch và các dự án hạ tầng, nâng loại đô thị, đơn vị hành chính còn chưa đầy đủ, kịp thời”, tư lệnh ngành Xây dựng nói.

Ngoài ra, ông cũng cho biết, việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản còn chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, các doanh nghiệp có năng lực, tin cậy, có tín nhiệm, có dự án tốt đáp ứng các điều kiện cần được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn tín dụng phát triển dự án bất động sản để góp phần tăng nguồn cung.

Ông Nghị cũng lưu ý về việc chưa phân biệt giữa sử dụng và đầu tư, kinh doanh, mua đi, bán lại dẫn đến hiện tượng đầu cơ, găm giữ bất động sản, thậm chí còn trốn thuế trong giao dịch bất động sản, làm thất thu ngân sách

Ngoài ra, hoạt động của thị trường bất động sản còn thiếu công khai, minh bạch do thiếu hệ thống thông tin dẫn đến lợi dụng, tung tin, nhiễu loạn thị trường.

Kiểm soát chặt chẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Từ đó, Bộ Xây dựng đề xuất một số giải pháp chính. Ngoài việc khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật kiên quan đến lĩnh vực bất động sản, cần theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường để kịp thời có biện pháp bình ổn, lành mạnh thị trường khi cần thiết.

Cùng với đó, ông Nghị cho rằng cần kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng bất động sản đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với lĩnh vực bất động sản theo đúng quy định pháp luật; tiếp tục cho vay đối với các dự án đầy đủ pháp lý, có hiệu quả; ưu tiên cho vay đối với dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được cấp phép và khởi công để tạo nguồn cung cho thị trường.

Bộ trưởng Xây dựng cũng đưa ra giải pháp kiểm soát chặt chẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, nhất là trái phiếu riêng lẻ. Đồng thời hướng dẫn thực hiện hoạt động phát hành trái phiếu, huy động vốn trên thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp bất động sản theo đúng quy định; tạo điều kiện, không làm cản trở hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp có đủ năng lực, hoạt động kinh doanh tốt, hiệu quả, lành mạnh…

Ngoài ra cũng cần có chính sách thuế với bất động sản để hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ; sửa đổi các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất bảo đảm thống nhất, phù hợp thực tế địa phương.

Bộ trưởng Xây dựng cũng nhấn mạnh đến việc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản; xử lý các hành vi đưa thông tin không chính xác, gây nhiễu loạn, tác động tiêu cực đến hoạt động thị trường tài chính, tín dụng bất động sản.

Thu Hằng

Bộ trưởng Tài chính: 'Cán bộ làm việc liên quan đến lợi ích, khó tránh khỏi vi phạm'

Bộ trưởng Tài chính: 'Cán bộ làm việc liên quan đến lợi ích, khó tránh khỏi vi phạm'

Bộ trưởng Tài chính cho rằng, cán bộ của Bộ Tài chính, đặc biệt là thuế, hải quan thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân và giải quyết những công việc liên quan đến lợi ích cho nên khó tránh khỏi vi phạm.
Bộ trưởng Tài chính: Có tình trạng lợi dụng chứng khoán để rửa tiền

Bộ trưởng Tài chính: Có tình trạng lợi dụng chứng khoán để rửa tiền

“Thông qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện nhiều sai phạm, trong đó có lợi dụng chứng khoán để rửa tiền”, Bộ trưởng Tài chính cho hay.
Chủ tịch Quốc hội: Bây giờ ít nói đến 'rau hai luống, lợn hai chuồng'

Chủ tịch Quốc hội: Bây giờ ít nói đến 'rau hai luống, lợn hai chuồng'

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, vấn đề an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp có tiến bộ rất nhiều. Trước đây, nói nhiều đến tình trạng "rau hai luống, lợn hai chuồng", bây giờ ít được nói đến hơn.