Theo ông Hà Sỹ Đồng, làm nông nghiệp hữu cơ không phải là viển vông, nó là con đường của sự sống mới. Bởi, nông nghiệp hữu cơ sẽ có lợi cho môi trường, làm cho hệ sinh thái được bền vững, con người được dùng thực phẩm an toàn.
XEM VIDEO:
Chiều 7/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường Diên Hồng. Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan là người đầu tiên trả lời chất vấn.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) dẫn lại câu nói của Bộ trưởng NN&PTNT “Chúng ta xây dựng một nền nông nghiệp trách nhiệm, trách nhiệm với sức khỏe hàng trăm triệu dân”. Tuy nhiên, theo ĐBQH đến nay, tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp vẫn là "sự phiền muộn chưa bao giờ nguôi của hàng triệu dân". Bà Mai đề nghị Bộ trưởng cho biết đến khi nào người dân mới có thể hoàn toàn yên tâm về tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp, đến bao giờ Việt Nam có thể viết tên mình trên bản đồ nông nghiệp hữu cơ thế giới?
Trả lời ý kiến của ĐB Lưu Mai, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, vấn đề khi nào 100 triệu dân Việt Nam được an toàn khi sử dụng thực phẩm là câu hỏi được lặp lại rất nhiều từ trước đến nay, có khi từ khóa XI.
Và Bộ trưởng không thoái thác trách nhiệm của mình nhưng ngành nông nghiệp có tính liên ngành rất cao, hệ thống trên dưới trong ngoài, vận động theo nền kinh tế thị trường chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính của Bộ trưởng hay Chính phủ.
Hữu cơ không phải tất cả các quốc gia đều làm nhưng hữu cơ hay không phải được kiểm chứng của xã hội, hệ thống phân phối để đánh giá chất lượng.
Đáng tiếc đến giờ này chúng ta chưa có hệ thống đánh giá và đó là khuyết điểm của ngành nông nghiệp, trong đó việc chưa chuẩn hóa các quy trình sản xuất.
Ông khắc lại chuyện nền nông nghiệp Việt Nam mang 3 lời nguyền “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”. Ngay ở ĐBSCL dù đất đai rộng lớn nhưng cũng manh mún, dẫn đến nhiều hệ lụy. Do đó, ông tha thiết đề nghị cần tổ chức lại ngành hàng để tránh rủi ro.
Bộ trưởng dẫn thơ trả lời ĐBQH
ĐB Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) nêu thời gian vừa qua cử tri phản ánh rất nhiều về việc giảm vật tư nông nghiệp, trong đó có giá phân bón liên tục tăng cao. Trước thực trạng đó, Bộ NN&PTNT đã khuyến cáo bà con nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ thay thế cho phân bón vô cơ. Đây được nhìn nhận là giải pháp căn cơ chủ động và tích cực.
Tuy nhiên, ông Thái nói về một thực trạng đó là từ trước đến nay, tập quán sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác nông nghiệp chủ yếu tập trung ở miền Bắc và miền Trung. Bà con nông dân ĐBSCL chưa hoặc ít chủ động sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp. ĐB đề nghị, với vai trò là Tư lệnh ngành, Bộ trưởng sẽ làm gì để giải pháp theo khuyến cáo chưa được triển khai rộng và ứng dụng thực sự đạt hiệu quả trên những cánh đồng và thửa ruộng trong thời gian tới, trong đó có việc thay đổi tập quán canh tác của người nông dân ĐBSCL?
Trả lời ĐB vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ: “Nói về ĐBSCL cũng rất khó cho tôi bởi vì nếu nói không khéo thì bà con cho là không thuyết phục”.
Dẫn câu thơ nói về phân bón: “Đất ghiền phân vô cơ như người ghiền á phiện”, Bộ trưởng nêu đặc điểm làm nông nghiệp của người nông dân ĐBSCL là trên một điện tích lớn với nhiều mùa vụ “đã một thời dùng nhiều phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật” khác với cách canh tác ở đồng bằng sông Hồng. Để thay đổi tập quán không phải điều dễ và sự quan hệ “chằng chịt” giữa các đại lý vật tư phân bón ở khắp ngõ ngách ĐBSCL đã tạo ra “khế ước ngầm” với bà con nông dân.
Bộ trưởng cho rằng phải tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại sản xuất vận động bà con vào hợp tác xã. Những mô hình ở Bạc Liêu, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau…đã minh chứng cho bà con là có cách sản xuất khác tiết kiệm chi phí và hướng đến nông nghiệp sinh thái hơn.
Bộ trưởng cho biết vẫn còn tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không tuân thủ nguyên tắc “bốn đúng” gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sức khỏe con người và chất lượng nông sản. Nhất là vùng ĐBSCL, tình trạng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang cao.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng nêu rõ, trong thời gian tới, cần hoàn thiện các phương pháp thử cho các thuốc bảo vệ thực vật sinh học; ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm.
Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác công tư sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng phân bón tiết kiệm nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn và nâng cao giá trị nông sản; nhân rộng các mô hình, đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt các mô hình canh tác giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản phẩm.
Sáng nay, Bộ đã triệu tập cuộc họp với các giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bàn về nhiều vấn đề. Bộ thành lập Văn phòng điều phối 13 tỉnh ĐBSCL về nông nghiệp, liên tục tổ chức diễn đàn, mời các doanh nghiệp về phân bón, thuốc để dẫn dắt bà con thay đổi.
Bộ trưởng cho biết sẽ thường xuyên tổ chức các diễn đàn mời các doanh nghiệp về phân bón, thuốc, doanh nghiệp thu mua lúa gạo để cùng bà con thay đổi tư duy.
ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đặt vấn đề sản xuất nông nghiệp có thể khẳng định là thế mạnh, là cứu cánh cho nền KT-XH trong những điều kiện, tình huống khó khăn. Tuy nhiên tình trạng nông nghiệp có phát triển nhưng đời sống của người nông dân chưa cao; tình trạng được mùa mất giá và những cuộc giải cứu nông sản chưa có hồi kết; giá vật tư đầu vào liên tục tăng cao, sản xuất phần lớn còn mang tính tự phát; tiêu thụ còn phụ thuộc và một số thị trường; cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. ĐB đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết những giải pháp căn cơ để giải quyết các vấn đề này?
Bộ trưởng nói đây là quy luật kinh tế cung - cầu và phải khống chế quy luật này qua hai cách. Khi dư thừa thì phải tăng chế biến để giảm lượng đưa ra thị trường và chuẩn hóa sản phẩm nông sản để thị trường thông suốt. Do đó, giải pháp cho câu chuyện được mùa mất giá là tổ chức lại sản xuất, chuẩn hóa ngành hàng, thông tin minh bạch thị trường xuất khẩu, nội địa.
"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận khuyết điểm trong điều hành, chuẩn hóa nông sản. Chưa tổ chức lại sản xuất thì chưa thành công và đối mặt rủi ro khi không đồng nhất nguyên liệu một loại nông sản, và khi đó chưa đồng nhất thương hiệu", ông nói và cho hay sẽ sớm cùng các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài giải quyết việc này.
Về câu chuyện nhiều nhà vườn phải phá bỏ vườn thanh long do bí đầu ra, chi phí vật tư đầu vào tăng cao, theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ khoảng 1/10 sản xuất theo quy trình hợp tác xã, phần lớn là bà con trồng không theo quy chuẩn. "Sự cạnh tranh giữa các nhà vườn, hợp tác xã tạo ra sự bất ổn để có danh chính ngôn thuận một vùng nguyên liệu ổn định", ông nhận xét.
Hiện Bộ đã giao các viện nghiên cứu chuẩn hóa lại quy trình sản xuất, trồng trọt để giảm chi phí đầu vào. "Các nước đang hướng tới nền nông nghiệp ít hơn để được nhiều hơn. Tức là tối thiểu hóa chi phí, và tối đa hóa lợi nhuận bằng khoa học nông nghiệp. Chúng ta cũng phải phấn đấu theo hướng này", ông nói.
Trần Thường