Sáng 24/3, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo 3 Nghị định của Chính phủ: Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; về chính sách tinh giản biên chế; về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. 

Tập trung cao nhất để sắp xếp huyện, xã

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, 3 nghị định này liên quan đến việc tạo điều kiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tới đây. 

Bởi nếu triển khai các nội dung này không đồng bộ thì việc tham mưu cho Chính phủ các cơ chế, chính sách, cụ thể để tới đây cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; sắp xếp các tổ chức hành chính, các đơn vị sự nghiệp sẽ gặp khó khăn và nhiều vướng mắc.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà 

Bộ trưởng khẳng định, năm 2023, 2024 là thời điểm tập trung cao nhất để sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Cho nên đây là khối lượng công việc đòi hỏi hết sức khẩn trương, quyết liệt rất cao. Mặt khác phải chuẩn bị đủ các cơ chế, chính sách để tổ chức thực hiện. 

Theo Bộ trưởng Nội vụ, các kết luận gần đây của Bộ Chính trị đều liên quan trực tiếp và cũng là “kim chỉ nam” để xây dựng các nghị định này. Bên cạnh đó cần bám sát cơ sở pháp lý, các luật liên quan. 

Bộ trưởng lưu ý, việc xây dựng 3 nghị định này là vừa quán triệt, vừa thể chế hóa các nghị quyết của Đảng cũng như các bộ luật có liên quan để làm sao các nội dung thảo luận rõ, đạt và thuận lợi khi triển khai thực hiện thực sự khả thi, thiết thực, thúc đẩy cho phát triển chung của đất nước, địa phương, đơn vị và ngành Nội vụ.

Chính sách khá mạnh tay

Đi vào cụ thể từng dự thảo nghị định, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố là một nội dung đột phá. Theo đó, sẽ tăng thêm biên chế đối với cấp xã nên phải báo cáo Bộ Chính trị để bổ sung số biên chế này. 

“Có những cái chúng ta phải có tư duy ngược lại một chút và sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền”, Bộ trưởng Nội vụ nói.

Về dự nghị định tinh giản biên chế, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định, đây là chính sách trung ương ban hành, căn cứ vào điều kiện thực tế, địa phương có thể bổ sung thêm chính sách để thực hiện việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư khi sắp xếp tổ chức bộ máy. 

Đề cập đến chế độ trợ cấp cho số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư này, Bộ trưởng cho biết, dự thảo nghị định đưa ra “chính sách khá mạnh tay” để có thể thực hiện được ngay việc sắp xếp. 

Các đại biểu dự hội nghị

Bên cạnh đó, thực hiện chính sách giải quyết cán bộ, công chức dôi dư, tinh giản biên chế cũng phải gắn với cơ cấu lại và hướng tới nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện.

Về dự thảo nghị định khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhận định, đây là nghị định rất khó, là nghị định mang tính chính trị rất cao. 

"Trong bối cảnh chúng ta đang tích cực đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, một bộ phận cán bộ có tư tưởng chần chừ, giữ an toàn, sợ sai. Vì vậy, cần có những cơ chế, chính sách để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, theo tinh thần và tư tưởng của Bác Hồ, những gì có lợi cho dân thì quyết tâm làm, những gì có hại cho dân thì phải ra sức tránh", Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

Nhắc lại tầm quan trọng và cấp bách của 3 nghị định này, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, sau hội thảo sẽ thực hiện các trình tự, thủ tục để khẩn trương ban hành nghị định, đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ chính trị liên quan.