XEM CLIP:

Tại phiên thảo luận sáng nay (2/6) về tình hình KTXH, ngân sách Nhà nước năm 2021, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề cập đến vấn đề siết thu thuế chuyển nhượng bất động sản.

Trước đó, nhiều ĐBQH nói trong phiên thảo luận hôm qua về việc siết thu thuế chuyển nhượng bất động sản tạo điều kiện cho cơ quan thuế, gây ảnh hưởng đến người dân.

Theo quy định, người nộp thuế phải kê khai thuế trên hợp động đúng với giá hai bên đã thỏa thuận, nếu thấp hơn thì tính theo bảng giá đất tại thời điểm nộp thuế.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ trưởng Tài chính cũng thừa nhận, thời gian vừa qua, có sự trốn thuế cũng như trục lợi về thuế trong lĩnh vực này.

Bộ Tài chính đã có văn bản chỉ đạo cơ quan thuế siết chặt thu thuế đúng giá trị mua bán, điều này cũng tác động tới đầu cơ bất động sản.

Trong 5 tháng qua, tổng thuế thu từ bất động sản là 16.200 tỷ, vượt cùng kỳ năm ngoái 6.600 tỷ đồng. Đáng chú ý, Bộ trưởng cho biết, có trường hợp chỉ kê khai 500 triệu đồng, sau đó được giải thích thì kê khai lại 10 tỷ đồng, gấp đến 20 lần. "Thậm chí có trường hợp gấp 40 lần. Còn bình quân là 6 lần", Bộ trưởng Tài chính thông tin.

"Bình quân là 6 lần", Bộ trưởng Tài chính thông tin về tình trạng kê khai giá trị đất khi giao dịch thấp hơn giá giao dịch. Ảnh: Thanh Tùng

Trước lo ngại của ĐBQH, Bộ trưởng giải thích đã có chỉ đạo cấm cơ quan thuế nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân. Vấn đề này cũng nhằm "tiền phòng, hậu kiểm", tránh để các vụ án hình sự xảy ra.

Ông Phớc ví dụ, người bán nhà kê khai thấp là trốn thuế. Do vậy việc siết chặt với cách làm là hoàn toàn đúng pháp luật. Các cấp, các ngành giám sát, nếu có tình trạng lót tay, trục lợi, hối lộ ở cơ quan thuế sẽ xử lý nghiêm.

"Sắp tới, chúng tôi đề nghị các địa phương sẽ xây dựng hệ số điều chỉnh dữ liệu bất động sản để minh bạch, đảm bảo thu thuế chuyển nhượng bất động sản", ông Phớc nói.

Cân nhắc việc giảm thêm thuế với xăng dầu

Về vấn đến xăng dầu, sau lần điều chỉnh chiều qua (1/6), giá xăng E5 RON 92 hiện được bán ở mức 30.230 đồng/lít; RON 95 là 31.570 đồng/lít. Việc giá xăng dầu tăng quá cao ảnh hưởng đến đời sống người dân, nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi.

Bộ trưởng Tài chính cho biết nhiều ý kiến cho rằng cần giảm thêm thuế đối với xăng dầu để kìm đà tăng mặt hàng này. Ông Phớc khẳng định sẽ cân nhắc, đánh giá tác động và báo cáo Chính phủ, để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về việc giảm thêm thuế với mặt hàng xăng dầu.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, tỷ trọng thuế trong mỗi lít xăng ở nhiều nước là 45-60%, còn tại Việt Nam hiện khoảng 29-31%. Ví dụ, xăng RON 92 (loại xăng nền dùng để pha chế xăng E5 RON 92) với giá nhập khẩu hiện khoảng 22.000 đồng/lít, tiền thuế là 8.000 đồng/lít, tương đương khoảng 28%. 

Người đứng đầu ngành tài chính cũng cho biết, từ ngày 1/4, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã giảm 50% đến hết năm nay. Dư địa loại thuế này hiện còn 2.000 đồng mỗi lít xăng; 1.000 đồng với dầu và thẩm quyền quyết định thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, cơ cấu thuế trong mỗi lít xăng hiện còn thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế VAT…, các loại thuế này thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. "Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô, mỗi năm sản xuất được hơn 8 triệu thùng dầu thô. Giá dầu thô tăng cũng bù đắp ngân sách được một phần, nhưng chính sách thuế gắn liền với chính sách tài khóa, nên khi giảm thuế sẽ phải cắt giảm các khoản chi, trong khi chính sách tài khóa đã được duyệt", Bộ trưởng Tài chính nêu khó khăn.

Ông phân tích, thực tế muốn giảm giá xăng dầu cần đồng bộ nhiều giải pháp, và thuế chỉ là một trong số công cụ. Ngoài thuế, cũng cần phải tính tới tăng cường chống buôn lậu. Bởi nếu giá trong nước chênh lệch nhiều với một số nước trong khu vực (thấp hơn các nước) sẽ dẫn tới tình trạng thẩm lậu xăng dầu.

Hiện giá xăng Việt Nam thấp hơn Lào khoảng 11.000 đồng, Campuchia 3.000 đồng một lít… Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá, phải thúc đẩy nguồn cung xăng dầu, tức nâng công suất hai nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn đảm bảo cung ứng phần lớn nguồn cung trong nước.

Trần Thường