Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan cho biết Bộ này có 20.000 công viên chức chưa từng làm công việc giảng dạy nhưng đang quản lý các trường, trong khi con số này của Bộ Giáo dục Việt Nam chỉ có 70.
Khi nhận được câu hỏi: “Người dân thích một chiếc xe hơi điện được phát triển ở một quốc gia Đông Nam Á hay một chiếc được sản xuất bởi Tesla?”, Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan Teerakiat Jareonsettasin đã đặt ngược lại một câu hỏi tu từ: “Bạn nằm mơ à?”
“Chúng tôi thậm chí còn không thể sản xuất một chiếc xe máy” – ông trả lời trong một cuộc phỏng vấn.
Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan Teerakiat Jareonsettasin |
Ông Teerakiat – Bộ trưởng Giáo dục thứ 20 của Thái Lan trong vòng 17 năm – đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách kỹ năng để theo kịp những người hàng xóm Đông Nam Á.
Chiến lược của ông gồm có: trao tự chủ hơn nữa cho các trường trung học, đại học và các giáo viên để nâng cao tiêu chuẩn giáo dục.
Ông cũng khuyến nghị duy trì sự tập trung vào các lĩnh vực là thế mạnh truyền thống như thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và du lịch.
Thách thức này của Thái Lan rất lớn khi mà theo kết quả Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế 3 năm một lần, nước này xếp hạng 54/70 quốc gia tham gia, ngay cả khi ngân sách dành cho giáo dục của Thái Lan chiếm 1/5 tổng ngân sách hằng năm là 81 tỷ đô la – một trong những khoản chi tiêu lớn nhất của nước này.
Singapore đứng đầu trong bài đánh giá PISA, Nhật Bản đứng thứ 2, Đài Loan thứ 4, Trung Quốc thứ 6, và Việt Nam giữ vị trí số 8.
“Chúng tôi có một khoảng cách lớn với các quốc gia khác ở khu vực” – ông nhận định.
“Tất cả những gì chúng tôi làm đều không có tác dụng”.
Điểm số PISA của học sinh Thái Lan qua các năm |
Kể từ khi nắm quyền cách đây 3 năm, Chính quyền quân đội của Thái Lan đã đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy sự đổi mới và thúc đẩy các ngành công nghiệp tiên tiến để giúp cải thiện nền kinh tế thoát khỏi “bẫy” thu nhập trung bình theo một kế hoạch được gọi là Thái Lan 4.0.
Nhà phát triển phần mềm kỳ cựu Panutat Tejasen cho rằng, một vấn đề khác của Thái Lan là học sinh đang học theo những phương pháp đã lỗi thời và thiếu kỹ năng tư duy phản biện cần có để phát triển các giải pháp phần mềm sáng tạo.
Việt Nam tốt hơn?
Ông Anip Sharma – phó chủ tịch cấp cao phụ trách khu vực Đông Nam Á ở công ty tư vấn giáo dục toàn cầu Parthenon-EY – cho rằng những quốc gia láng giềng của Thái Lan như Việt Nam đang làm tốt hơn trong việc khuyến khích tư duy mới mẻ mặc dù Việt Nam còn nghèo khó hơn Thái Lan.
Ông cũng cho rằng sự rối loạn trong hệ thống chính trị của Thái Lan từ trước tới nay cũng không có lợi cho việc khuyến khích những thay đổi đối với hệ thống giáo dục.
Cải cách hành chính giáo dục: Từ dưới lên
“Chúng ta có 20.000 công viên chức không giảng dạy nhưng đang điều hành các trường học” – Bộ trưởng Teerakiat cho biết trong cuộc phỏng vấn ngày 12/7, đồng thời báo hiệu rằng một trong những thách thức chính của cải cách có thể là ở chính Bộ Giáo dục.
“Ở Việt Nam, chỉ có 70 công chức như vậy trong Bộ Giáo dục của họ”.
Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan – người từng học về tâm thần học ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên – cũng nhận định, tham nhũng là một vấn đề khác của hệ thống giáo dục nước này.
“Nếu giống như các chính trị gia trước đây, tôi sẽ là người đàn ông giàu nhất trong tháng này” – ông nói và chỉ ra nguyên nhân: Bộ trưởng Giáo dục là người có quyền quyết định “số phận” của khoảng 4 tỷ Bạt ngân sách giáo dục chưa được chi tiêu.
Ông Teerakiat cho rằng, một chiến lược từ dưới lên trên cho phép các trường tự chủ hơn trong việc đưa ra quyết định sẽ là hướng giải quyết tốt nhất.
Nguyên tắc này cũng nên áp dụng với việc đào tạo giáo viên, bởi vì việc lên kế hoạch cứng nhắc từ trên xuống đã khiến họ chán nản.
Trao quyền cho giáo viên và hủy bỏ việc lên kế hoạch từ trên xuống. Hãy sử dụng cách tiếp cận từ dưới lên, mọi thứ sẽ hoạt động một cách phi thường. |
Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan |
Bộ trưởng Thái Lan đã công bố một hệ thống chứng thực mới hồi đầu tháng này nhằm cho phép các trường đại học, cao đẳng tự đưa ra các khóa học riêng của mình, và cho phép các giáo viên tiềm năng tự do lựa chọn lĩnh vực mà họ muốn được đào tạo.
Ông cũng yêu cầu Bộ này thiết lập kế hoạch xây dựng một Bộ Giáo dục đại học mới.
“Trang web dành cho việc đào tạo giáo viên thường chỉ có 1-2 người truy cập, nếu bạn may mắn” – ông nói.
"Nhưng chỉ tính riêng ngày hôm qua, con số này là 28,8 triệu lượt truy cập. Thật đáng ngạc nhiên khi bạn vận hành theo cơ chế thị trường, trao quyền cho giáo viên và hủy bỏ việc lên kế hoạch từ trên xuống. Hãy sử dụng cách tiếp cận từ dưới lên, mọi thứ sẽ hoạt động một cách phi thường. Điều đó chưa bao giờ xảy ra ở Thái Lan”.
- Nguyễn Thảo (Theo Bloomberg)
Thay đổi cơ cấu tổ chức Bộ GD-ĐT
So với trước đây, số lượng đơn vị giảm 1 (từ 27 còn 26), một số cục, vụ được sát nhập; xuất hiện thêm cơ quan cấp cục, vụ mới; đổi tên cơ quan hoặc không còn trực thuộc Bộ.
Thành lập trung tâm khảo thí quốc gia
Trung tâm khảo thí quốc gia sẽ một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục Quản lý chất lượng (trước đây là Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục), Bộ GD-ĐT.