- Dành một ít phút nói "ngoài văn bản"sau khi báo cáo trước QH về dự án sân bay Long Thành sáng nay, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng bày tỏ "biết ơn sâu sắc" ĐBQH, cử tri đã trăn trở, thao thức với ngành giao thông.
Phút bày tỏ của Bộ trưởng khiến toàn hội trường QH xôn xao. Bộ trưởng nói, nếu ĐBQH biểu quyết đồng ý chủ trương xây dựng sân bay Long Thành, cá nhân ông và ngành giao thông sẽ "luôn hết sức mình phối hợp chặt chẽ các ban ngành liên quan, chuyên gia, các nhà khoa học", để xây dựng báo cáo khả thi chất lượng tốt báo cáo QH.
Cần Long Thành cho phát triển năng động
Báo cáo trước QH, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng tiếp tục nhắc lại sự cấp bách và cần thiết của sân bay Long Thành.
Sự quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất khai thác kịch trần công suất thiết kế, quá tải tất cả các công đoạn; giao thông trên bầu trời bị tắc nghẽn, bất khả thi về cải tạo mở rộng khi phải đụng tới 140.000 hộ dân, với chi phí lên tới 9,1 tỷ USD... được Bộ trưởng nêu lại trước QH.
Ông cũng phân tích phương án cải tạo/mở rộng sân bay quân sự Biên Hòa bất khả thi do chi phí lớn, bị nhiễm độc dioxin, lại là căn cứ quân sự then chốt trong hệ thống phòng thủ quốc gia.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng |
Đề cập dự án sân bay Long Thành, Bộ trưởng cho hay, khó khăn về vốn, nguồn ODA, đầu tư nước ngoài, vốn tư nhân lẫn vốn từ ngân sách do tình hình kinh tế khó khăn chung.
Ông cũng thận trọng khi nhắc rằng giải phóng mặt bằng và tái định cư chắc chắn cũng sẽ khó khăn dù đã được tỉnh Đồng Nai chuẩn bị công phu, bài bản.
Chưa kể sân bay Long Thành, do ra đời sau các sân bay trung chuyển lớn trong khu vực như Chek Lap Kok (Hồng Kông), Changi (Singapore), Suvarnabhumi (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia)... mà sẽ phải cạnh tranh về nhiều mặt.
Nhưng Bộ trưởng khẳng định Long Thành có thuận lợi lớn nhất là quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại, đủ điều kiện tiếp nhận tất cả các loại tàu bay hiện đại nhất. Vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á cũng là một thuận lợi lớn.
Bản thân VN cũng là thị trường tiềm năng cho sân bay Long Thành với hơn 90 triệu dân. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - nơi xây dựng sân bay Long Thành, cũng đang phát triển năng động, có nhu cầu vận chuyển hàng không cao nhất cả nước.
Khu vực lựa chọn xây dựng sây bay Long Thành có địa hình, địa chất, thủy văn không quá phức tạp, mặt bằng tương đối bằng phẳng, gần các nguồn cung cấp vật liệu lớn. Khu vực huyện Long Thành, Đồng Nai chủ yếu trồng cây cao su, mật độ dân cư khu vực không cao do đó tác động môi trường gây ra là tối thiểu.
Nhiều tập đoàn Pháp, Nhật, Hàn quan tâm
Bộ trưởng Thăng cho biết dự án có 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 xây dựng 1 đường hạ cất cánh và 1 nhà ga hành khách công suất 25 triệu khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5,2 tỷ USD, triển khai từ năm 2018-2025, nhưng có thể hoàn thành sớm vào năm 2022.
Hai giai đoạn sau tiếp tục mở rộng và nâng công suất sân bay lên 100 triệu hành khách/năm, dự kiến năm 2050 hoàn thành.
Diện tích đất sân bay Long Thành cần là 5.000 ha, nhưng trong giai đoạn 1 chỉ lấy 2.750 ha, thu hồi một lần với kinh phí khoảng 9.540 tỷ đồng, ảnh hưởng đến 2.294 hộ dân.
Bộ trưởng Đinh La Thăng tin rằng dự án này sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 người lao động.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu: Dân vùng quy hoạch sân bay muốn triển khai sớm để ổn định cuộc sống |
Sau nhiều lần rà soát, dự toán tổng mức đầu tư của sân bay Long Thành đến thời điểm này là 15,8 tỷ USD. Dự kiến trong 5,2 tỷ USD cần cho giai đoạn 1, vốn ngân sách chiếm 11,1%, vốn ODA là 26,5%, vốn huy động ngoài ngân sách là 62,4%.
"Hiện nay, có một số nhà đầu tư trong và ngoài nước đang quan tâm đến dự án nếu được chấp thuận chủ trương đầu tư, như ADP của Pháp, các tập đoàn Sam Sung, Incheon của Hàn Quốc và các tập đoàn của Nhật Bản...", ông Thăng cho biết.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu bày tỏ ủng hộ chủ trương xây dựng sây bay Long Thành. Tuy nhiên, ông phản ánh một số băn khoăn của ĐBQH sau khi thảo luận nội dung này ở kỳ họp trước.
"Do đây mới là báo cáo tiền khả thi nên chưa thể khẳng định sự tham gia của các nguồn vốn ngoài ngân sách như vốn ODA, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn tư nhân...", ông Giàu cho biết.
Các ĐB cũng muốn các nhà đầu tư làm rõ phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân khu vực xây dựng sân bay Long Thành, đặc biệt là việc đào tạo nghề để họ chuyển đổi.
"Về việc này, tỉnh Đồng Nai đã có chuẩn bị, qua giám sát cũng cho thấy hầu hết người dân có đất bị thu hồi ủng hộ việc xây dựng sân bay và mong sớm triển khai dự án này để họ sớm ổn định cuộc sống", ông Giàu nói.
Chung Hoàng - Ảnh: Minh Thăng