Theo nhận định của Bộ TT&TT, thời gian diễn ra lễ kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024) là lúc các thế lực thù địch, phản động, tin tặc có thể lợi dụng để gia tăng các cuộc tấn công mạng. Đặc biệt, thời gian gần đây, đã có một số hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam bị sự cố tấn công mạng gây thiệt hại nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, để không bị động, bất ngờ trước mọi tình huống, Bộ TT&TT đề nghị các bộ, ngành, địa phương và cả các cơ quan báo chí, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các ngân hàng, tổ chức tài chính cùng các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tăng cường triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin.

w giam sat an toan thong tin 1 798.jpg
Việc thường xuyên và liên tục theo dõi các hệ thống giám sát an toàn thông tin sẽ giúp các đơn vị phát hiện sớm, xử lý kịp thời các nguy cơ tấn công mạng. Ảnh minh họa: M.Quyết

Cụ thể, các đơn vị phải ưu tiên nguồn lực trực giám sát, bảo đảm an toàn thông tin mạng 24/7, phân công nhân sự theo dõi thường xuyên và liên tục các hệ thống giám sát an toàn thông tin và phòng chống mã độc tập trung. Mục đích là để đảm bảo phát hiện sớm các nguy cơ tấn công thay đổi giao diện, kịp thời xử lý và khắc phục sự cố tấn công mạng.

Cùng với việc rà soát, cập nhật đầy đủ các bản vá lỗ hổng bảo mật cho hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam cũng được yêu cầu phải chủ động săn lùng các mối nguy hại và bóc gỡ phần mềm độc hại cho toàn bộ máy chủ, máy trạm trong hệ thống thông tin. Đồng thời, xây dựng các kế hoạch, phương án ứng cứu khẩn cấp để sẵn sàng triển khai các giải pháp ứng phó, xử lý sự cố tấn công mạng.

Đáng chú ý, trước xu hướng gia tăng tấn công mã hóa dữ liệu - ransomware, Bộ TT&TT cũng khuyến nghị các cơ quan, đơn vị quan tâm triển khai 2 biện pháp cơ bản để phòng chống và ứng phó với loại hình tấn công mạng này, bao gồm: Sao lưu dữ liệu theo nguyên tắc “3-2-1”, có ít nhất 3 bản sao dữ liệu, lưu trữ bản sao trên 2 phương tiện lưu trữ khác nhau, với 1 bản sao lưu ngoại tuyến “offline”; Có phương án để sẵn sàng phục hồi nhanh hoạt động của hệ thống thông tin khi gặp sự cố, đưa hoạt động của hệ thống thông tin trở lại bình thường trong vòng 24 giờ hoặc theo yêu cầu nghiệp vụ.

Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet và những tổ chức, doanh nghiệp cung cấp nền tảng chuyển đổi số, Bộ TT&TT chỉ đạo phải tăng cường nguồn lực thực hiện trực giám sát, hỗ trợ và khắc phục sự cố bảo đảm hạ tầng viễn thông, Internet an toàn, thông suốt.

Song song đó, triển khai các biện pháp kỹ thuật ở mức cao nhất nhằm phát hiện, chặn lọc, ngăn chặn hoạt động tấn công mạng, phát tán thông tin xấu độc, thông tin vi phạm pháp luật trên hệ thống thông tin, hạ tầng mạng lưới thuộc phạm vi quản lý.

Các doanh nghiệp viễn thông, Internet cùng đơn vị cung cấp nền tảng chuyển đổi số còn được yêu cầu tăng cường theo dõi, cập nhật, xử lý các phản ánh, khiếu nại của người dùng về tin nhắn rác, cuộc gọi rác, đặc biệt là tin nhắn lừa đảo, cuộc gọi lừa đảo được chia sẻ từ hệ thống kỹ thuật do Cục An toàn thông tin vận hành.  

3 đầu mối hỗ trợ xử lý, ứng cứu sự cố an toàn thông tin dịp nghỉ lễ 2/9

Trong công văn đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng trong thời gian nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, Bộ TT&TT cung cấp 3 đầu mối thuộc Cục An toàn thông tin hỗ trợ giám sát, xử lý, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng, gồm:

- Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam - VNCERT/CC) có số điện thoại 024.3640.4421, số điện thoại trực đường dây nóng ứng cứu sự cố 086.9100.317 và thư điện tử là ‘ir@vncert.vn’.

-Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - NCSC, có số điện thoại 02432091616, số trực đường dây nóng hỗ trợ giám sát, cảnh báo sớm 0389942878 và thư điện tử ‘ais@mic.gov.vn’.

 - Phòng An toàn hệ thống thông tin, theo số điện thoại trực đường dây nóng hỗ trợ tổng thể các giải pháp an toàn thông tin 0888.133.359 và thư điện tử ‘athttt@mic.gov.vn’.