Thường xuyên trao đổi và làm đến nơi các công việc

Ngày 13/6, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý II/2024 của Bộ TT&TT với các Sở TT&TT trên toàn quốc, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hội nghị còn có sự tham dự của các thứ trưởng Phan Tâm, Phạm Đức Long, Nguyễn Huy Dũng, Nguyễn Thanh Lâm cùng giám đốc CNTT các bộ, ngành và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong Bộ.

W-giao ban quy II voi So TTTT 1.jpg
Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý II/2024 của Bộ TT&TT với các Sở TT&TT diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 67 điểm cầu. Ảnh: Lê Anh Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Với tất cả các công việc, các cơ quan, đơn vị cần hiểu rõ việc của mình và phải làm “cho đến nơi”, làm cho dứt điểm. Nếu không, các khó khăn, vướng mắc không được tháo gỡ sẽ lặp đi lặp lại. Quá trình tổ chức triển khai công việc hằng giờ, hằng ngày, hằng tuần hay hằng tháng, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị trong Bộ TT&TT cần thường xuyên trao đổi.

Theo Bộ trưởng, mỗi lần bộ, ngành, địa phương có ý kiến với Bộ TT&TT là một cơ hội để Bộ hoàn thiện, giúp cho Bộ tốt hơn. “Không có sự góp ý đó thì Bộ TT&TT sẽ không tốt lên được. Cho nên, các bộ, ngành, địa phương đừng ngại góp ý, và phải coi đó là trách nhiệm”, Bộ trưởng đề nghị.

Với tinh thần này, tại buổi giao ban, người đứng đầu ngành TT&TT đã trao đổi cặn kẽ, kỹ lưỡng để giải đáp một cách thấu đáo từng kiến nghị, đề xuất của các Sở TT&TT như: Đề nghị sửa đổi quyết định 503 của Bộ về công bố thủ tục hành chính lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, trong đó có việc bổ sung hình thức nộp trực tuyến cho 2 thủ tục cấp phép in của Sở TT&TT Bắc Ninh; Đề xuất Bộ có quy định, hướng dẫn hay khuyến cáo chi tiết việc sử dụng các nền tảng AI nước ngoài của Sở TT&TT Yên Bái; Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong phát triển hạ tầng viễn thông, cụ thể là lắp đặt trạm BTS 4G, 5G tại địa phương của Sở TT&TT Ninh Bình...

W-5G VinaPhone 1 2.jpg
Theo phản ánh của các Sở TT&TT, một số địa phương có tình trạng người dân phản đối việc lắp đặt trạm BTS mới. Ảnh minh họa: Cao Hưng

Cụ thể, Sở TT&TT tỉnh Bắc Ninh đề xuất về việc bổ sung hình thức nộp trực tuyến đối với 2 thủ tục cấp phép in. Theo Cục Xuất bản, in và phát hành, 2 thủ tục này có thể được thực hiện online nhưng vẫn chưa toàn trình được do vướng quy định của Luật Xuất bản liên quan đến quy định nộp bản sao chứng thực.

Về vấn đề trên, viện dẫn Luật Giao dịch điện tử, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, kể từ 1/7/2024, khi luật này có hiệu lực, bản điện tử sẽ có giá trị như bản giấy. 

Giải đáp kiến nghị của Sở TT&TT Bắc Ninh, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Cục Xuất bản, in và phát hành có động thái chuẩn bị để đưa 2 thủ tục cấp phép in lên môi trường online vào ngày 1/7 khi Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực. Các đơn vị khác thuộc Bộ cũng được yêu cầu rà soát lại các dịch vụ công để thúc đẩy hoạt động trên môi trường điện tử.

Trước sự nổi lên của các nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), Yên Bái đưa ra đề xuất Bộ TT&TT có hướng dẫn về việc ứng dụng các nền tảng AI nước ngoài. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, một số nước đã ra luật và quy định về AI. Để được đưa vào sử dụng bởi người dân, các nền tảng AI cần phải đáp ứng những điều kiện cụ thể. Với hoạt động của chính quyền, những quy định này thậm chí phải được đặt ra ở mức cao hơn. 

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị trong Bộ TT&TT nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đưa ra quy định. Việt Nam hiện chưa có quy định về vấn đề đạo đức AI. Bộ TT&TT sẽ ra một thể chế về AI để giải câu chuyện này.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh các nhà mạng đang thúc đẩy phát triển hạ tầng số, sớm thương mại hóa 5G, một số địa phương có tình trạng người dân phản đối việc lắp đặt trạm BTS mới. Để tháo gỡ khó khăn này, Bộ TT&TT sẽ có văn bản gửi các địa phương, thúc đẩy nhận thức về tầm quan trọng của hạ tầng viễn thông với sự phát triển kinh tế xã hội để lãnh đạo các địa phương sớm quan tâm, xử lý.

Đánh giá cao đề xuất của Sở TT&TT Bạc Liêu về việc có các nền tảng dùng chung cho ngành TT&TT, Bộ trưởng chỉ rõ đây là việc cần làm và giao Thứ trưởng Phạm Đức Long chỉ đạo để tham mưu những nền tảng dùng chung của ngành sẽ đầu tư thời gian tới.

Cảnh báo lớn với toàn bộ hệ thống CNTT của bộ, ngành, địa phương

Bên cạnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong Bộ TT&TT đổi cách làm, xử lý việc đến nơi để công việc của ngành, bộ mình tốt lên, câu chuyện đảm bảo an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin cũng đã một lần nữa được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu ra tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước.

W-BT Nguyễn Mạnh Hùng.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần chú trọng, sẵn sàng phương án khôi phục nhanh hoạt động sau sự cố, nghĩa là dữ liệu không mất, không bị mã hóa. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo Bộ trưởng, 4 vụ tấn công mạng thành công vào các doanh nghiệp lớn, có đầu tư đáng kể cho an toàn, an ninh mạng vừa qua là một cảnh báo lớn cho toàn bộ hệ thống CNTT của các bộ, ngành, địa phương. 

Tại cuộc họp chiều ngày 12/6 về triển khai an toàn thông tin mạng thời gian tới, Bộ trưởng đã đưa ra nhiều định hướng, cách tiếp cận mới để nâng cao khả năng chống chịu của các hệ thống. “Cục An toàn thông tin tổng chỉ huy việc rà soát an toàn hệ thống của các bộ, ngành, địa phương và hướng dẫn triển khai các phương án. Nhắc lại, bảo vệ dữ liệu và khôi phục nhanh, mấu chốt nằm ở đó!”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Là người được Bộ trưởng phân công phụ trách lĩnh vực an toàn thông tin mạng, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, trong tuần tới, Bộ TT&TT sẽ có hướng dẫn chi tiết các bộ, ngành, địa phương về đảm bảo an toàn thông tin theo nguyên tắc làm thế nào để phục hồi nhanh nhất khi sự cố xảy ra. Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng nhắc các bộ, ngành, địa phương thực hiện yêu cầu của Thủ tướng tại Công điện 33, đặc biệt là việc đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.

Trước phản ánh của các Sở TT&TT Phú Yên, Bạc Liêu về khó tăng biên chế công chức, viên chức của cơ quan nhà nước ở địa phương trong khi công việc nhiều, Bộ trưởng chỉ rõ: Giải pháp chính, trong tầm tay mà các Sở cần làm ngay là dùng công nghệ số để giảm tải, tăng năng suất lao động. Đồng thời, người đứng đầu ngành TT&TT cũng gợi mở các Sở về một cách tiếp cận mới khác là biến toàn bộ lực lượng ở các sở, ngành khác thành lực lượng của mình, thông qua việc đào tạo kiến thức, kỹ năng để họ tự chuyển đổi số tại đơn vị mình.

nen tang hue s.jpg
Nền tảng kết nối báo chí truyền thông tỉnh Thừa thiên Huế đang được địa phương này cung cấp trên Hue-S. Ảnh minh họa: V.Sỹ

Với vấn đề thiếu nhân lực làm chuyển đổi số và truyền thông chính sách, Thứ trưởng Phan Tâm cho hay: Bộ TT&TT có trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý của ngành và theo chỉ đạo của Bộ trưởng, trường đã xây dựng được hệ thống học trực tuyến theo hình thức mở, có thể học mọi lúc mọi nơi, với nhiều khóa học ngắn hạn bổ sung kiến thức, kỹ năng khác nhau trong lĩnh vực TT&TT. “Đề nghị các bộ ngành và các Sở TT&TT truyền thông rộng rãi để các sở, ban, ngành khác lên kế hoạch, làm việc với trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT để trường xây dựng và cung cấp kịp thời các khóa học”, Thứ trưởng thông tin.

Đối với lĩnh vực báo chí truyền thông, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ Thừa Thiên Huế và Sở TT&TT đã có cách làm sáng tạo khi tích hợp tính năng cung cấp thông tin cho báo chí vào ứng dụng đô thị thông minh của tỉnh; đồng thời, cho phép phóng viên đủ điều kiện theo dõi tham gia mạng, trực tiếp đặt câu hỏi cho mạng lưới người phát ngôn. Thứ trưởng đề nghị Thừa Thiên Huế chia sẻ kinh nghiệm cho các sở để tham khảo cách triển khai nhanh nhất, đơn giản nhất và phù hợp nhất với các địa phương.