Đây là nhận định được Thứ trưởng đưa ra tại buổi họp báo cuối năm của Bộ Xây dựng (ngày 30/12). 

Đánh giá về thị trường bất động sản trong năm qua, Bộ Xây dựng cho biết, thị trường vẫn đang đối diện tình trạng thiếu nguồn cung ở tất cả phân khúc sản phẩm và cơ cấu hàng hóa không phù hợp, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, giá giao dịch tăng cao. 

Nguồn cung bất động sản hạn chế tại tất cả các phân khúc. Số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trong quý III/2022 khoảng 4.123 căn; số lượng nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp hoàn thành trong 6 tháng là 13 dự án, với 6.000 căn. 

Mục tiêu đến năm 2030 trên cả nước hoàn thành đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội sẽ tạo ra nguồn cung góp phần làm giảm giá nhà đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho nhiều lao động (Ảnh: Minh Hoàng)

Trao đổi về những khó khăn trong thực hiện nhà ở xã hội hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, chủ yếu liên quan đến cơ chế chính sách. Thời gian qua, Bộ đã tham mưu sửa đổi Nghị định 100 về nhà ở xã hội tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc. Những vướng mắc này, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi trong Luật Nhà ở đặc biệt là về quỹ đất. 

“Trước đây, việc quy định 20% đất làm nhà ở xã hội trong dự án sẽ hạn chế nguồn hạn chế quỹ đất. Bộ đề xuất theo hướng giao cho UBND địa phương bố trí quỹ đất nhà ở xã hội. Như vậy sẽ mở ra nguồn lực đất đai cho phát triển nhà ở xã hội", ông Sinh nói.

Cũng theo ông Sinh, thời gian tới, Bộ Xây dựng nghiên cứu, tham mưu việc tiếp tục sửa đổi để giảm bớt thủ tục thự hiện dự án, xác định giá bán nhà ở xã hội để dự án được đưa ra nhanh nhất. 

Trả lời câu hỏi về việc Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội được hoàn thành có giảm được giá thành hay không khi hiện nay giá nhà ở xã hội đang có xu hướng tiệm cận với giá nhà ở thương mại, Thứ trưởng cho biết, giá nhà còn xác định dựa trên quy luật cung cầu. Tuy nhiên với những chính sách ưu đãi, khi giảm bớt các thủ tục, giảm chi phí lãi vay… giá nhà ở xã hội sẽ phù hợp với người lao động. 

“Chi phí xây dựng nhà ở xã hội sẽ được tính toán là chi phí tính đúng, tính đủ để giá bán nhà ở xã hội ngày càng hợp lý hơn. Đề án 1 triệu nhà ở xã hội hoàn thành sẽ tạo ra nguồn cung góp phần làm giảm giá nhà đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho nhiều lao động”, Thứ trưởng nói. 

Theo Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 trên cả nước hoàn thành đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Đề án đặt mục tiêu từ nay tới năm 2030, Hà Nội sẽ xây thêm 136.000 căn hộ, TP.HCM xây 130.000 căn hộ, Hải Phòng xây 45.355 căn hộ, Đà Nẵng xây 19.60 căn hộ, Cần Thơ xây 12.715 căn hộ.

Các trung tâm công nghiệp của cả nước hiện nay cũng đặt mục tiêu xây dựng thêm hàng trăm ngàn căn hộ mới cho công nhân, người thu nhập thấp. Trong đó, Long An xây khoảng 310.000 căn hộ, Bắc Giang xây khoảng 285.143 căn hộ, Bắc Ninh xây 96.247 căn hộ, Bình Dương xây 84.000 căn hộ, Bình Phước xây 58.990 căn hộ, Hưng Yên 56.700 căn hộ…

Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Xây dựng đề xuất cần nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Thuế…, trong đó tập trung sửa đổi các cơ chế chính sách cho nhóm người thu nhập thấp, quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng chính sách.