Lời toà soạn

Hiện nay, độ bao phủ BHYT ở nước ta đã trên 93%, phạm vi quyền lợi ngày càng được mở rộng, bảo đảm. Chất lượng dịch vụ y tế được cải thiện, nâng cao. Chính sách BHYT cũng cho thấy tính bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia, đồng thời cũng đảm nhận nhiều chính sách phúc lợi xã hội khác. Tuy nhiên, trong 15 năm thực hiện Luật BHYT, thực tiễn đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh.

VietNamNet đăng tải tuyến bài Tháo gỡ bất cập trong chính sách BHYT nhằm nhận diện những bất cập, khó khăn mang tính cấp bách trong thực tiễn và ghi nhận các hướng tháo gỡ để góp phần bảo đảm quyền lợi BHYT phù hợp với nhu cầu của người dân trong chăm sóc sức khỏe; tạo công bằng, thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh.

Một nội dung đáng chú ý trong Báo cáo tác động chính sách dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT lần 2 (sau đây tạm gọi là dự Luật BHYT sửa đổi) mà Bộ Y tế dự thảo đang lấy góp ý là đề xuất bổ sung quy định Quỹ BHYT trả 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng với một số đối tượng.

Cụ thể, những trường hợp này gồm:

- Người được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật, thủ thuật phức tạp hoặc sử dụng kỹ thuật cao được đến thẳng cơ sở có chuyên khoa, năng lực chuyên môn kỹ thuật cao hơn, hoặc một số trường hợp cấp dưới không đủ năng lực chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế.

- Một số trường hợp bệnh đặc thù không phải theo trình tự, thủ tục khám chữa bệnh BHYT, chuyển người bệnh giữa các cơ sở.

Đây là lần thứ 2 Bộ Y tế đưa ra dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách kèm theo Tờ trình và dự thảo Luật BHYT sửa đổi. Lần đầu vào tháng 2 năm nay. Việc lấy ý kiến lần này sẽ kết thúc vào ngày 12/10.

Trong dự thảo Luật BHYT sửa đổi và Báo cáo đánh giá tác động chính sách của Bộ Y tế không nêu rõ "một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật, thủ thuật phức tạp hoặc sử dụng kỹ thuật cao" cụ thể gồm những bệnh nào.

Trong 42 bệnh hiểm nghèo theo quy định của Chính phủ có ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim lần đầu, viêm đa khớp dạng thấp nặng, ghép cơ quan (ghép tim, ghép gan, ghép thận), phẫu thuật động mạch vành, phẫu thuật thay van tim, bỏng nặng, bệnh cơ tim, bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ... Trích Phụ lục IV ban hành kèm Nghị định 134/2016 của Chính phủ

Cũng trong dự Luật BHYT sửa đổi, Bộ Y tế đề xuất nguyên tắc giao Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá tác động đầy đủ để quy định cụ thể việc mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT hoặc thiết kế gói quyền lợi BHYT phù hợp theo nguyên tắc đóng - hưởng đối với các dịch vụ khám chẩn đoán để đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự tiến triển của một số bệnh...

Theo đánh giá của Bộ Y tế, quy định này giúp tiết kiệm chi cho Quỹ BHYT do người bệnh không phải khám nhiều lần ở cấp dưới và khám lại ở cấp trên, từ đó góp phần giảm số lượt khám bệnh và tăng tính hiệu quả của mỗi đợt điều trị. Người dân tiết kiệm chi phí đi lại và chi phí đồng chi trả trong trường hợp phải tự đi khám, chữa bệnh vượt cấp.

Như vậy, đề xuất trên sẽ tăng mức độ tiếp cận của người dân với các dịch vụ khám chữa bệnh; giảm các chi phí điều trị, chi phí đi lại, thời gian chờ đợi của người dân; góp phần đạt mục tiêu tăng tỷ lệ tham gia BHYT trên 95% dân số.

Tuy nhiên, mới đây, khi trả lời kiến nghị cử tri về việc sớm có chính sách hỗ trợ, trợ cấp những người mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, chạy thận, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết: "Với điều kiện hiện nay, việc thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh cho đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo mà đa phần là các thuốc, kỹ thuật có chi phí lớn sẽ ảnh hưởng lớn đến việc cân đối Quỹ, đồng thời ảnh hưởng đến việc chi trả BHYT cho nhiều người bệnh khác".

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy năm 2023, Quỹ BHYT chi trả phí điều trị cho 6 nhóm bệnh ung thư thường gặp (ung thư vú, phổi, gan, đại tràng, dạ dày, tiền liệt tuyến) là gần 6.200 tỷ đồng. Một số liệu khác của Bộ Y tế, chi phí điều trị của ung thư gan lên tới 200-300 triệu mỗi năm.

So với lần thứ 1, trong lần 2 này, Bộ Y tế còn điều chỉnh một số nội dung trong báo cáo đánh giá tác động chính sách về điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT.

Cụ thể, ở lần đầu (lấy ý kiến vào tháng 2/2024), Bộ Y tế đưa ra phương án "bổ sung một số dịch vụ, sản phẩm vào phạm vi chi trả của BHYT ngay khi luật có hiệu lực", gồm khám, chẩn đoán đánh giá nguy cơ, tình trạng sức khỏe và điều trị sớm một số bệnh để ngăn ngừa sự xuất hiện, tiến triển của bệnh theo danh mục bệnh do Bộ trưởng Y tế ban hành; khám sức khỏe định kỳ cho một số đối tượng hay bổ sung dịch vụ chẩn đoán, sàng lọc sơ sinh...

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đưa phương án giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Y tế quy định lộ trình khi đủ điều kiện, các bệnh lý được ưu tiên mở rộng chi trả BHYT bao gồm: ung thư cổ tử cung; ung thư vú, tăng huyết áp; đái tháo đường; viêm gan C, B.

Ở lần 2, nội dung này không còn. Đồng thời, Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách lần 2 bỏ phương án nâng mức đóng BHYT; Quy định hình thức BHYT bổ sung liên kết với BHYT thương mại do công ty bảo hiểm thực hiện theo hình thức tự nguyện.

Bộ Y tế cho biết đối với một số giải pháp mở rộng phạm vi quyền lợi về chân tay giả, máy trợ thính có chi phí thực hiện cao, chưa bảo đảm khả năng cân đối quỹ ở giai đoạn hiện nay. Bộ cũng kiến nghị chưa quy định mở rộng để đảm bảo tính khả thi một số dịch vụ như hỗ trợ sinh sản, khám sức khỏe định kỳ, đa dạng hóa cơ sở cung ứng dịch vụ BHYT như nhà thuốc, trung tâm xét nghiệm, do cần thêm thông tin, dữ liệu đánh giá tác động và truyền thông, cung cấp thông tin.

Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (dự kiến vào tháng 10/2024) và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. 

Theo Bộ Y tế, việc được chẩn đoán và điều trị sớm, được khám chữa bệnh tại các cơ sở cấp chuyên sâu đối với một số bệnh cấp dưới chưa đủ phạm vi chuyên môn giúp cải thiện tình trạng sức khỏe, tăng sức lao động sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo thêm nhiều thu nhập, tăng số năm sống khỏe mạnh của người dân do phát hiện và điều trị sớm giúp ngăn ngừa bệnh tật tiến triển. Điều này góp phần tăng tuổi thọ trung bình của người Việt Nam, nâng cao chất lượng dân số.

Giải pháp cũng góp phần giảm nghèo, thông qua hạn chế chi từ tiền túi của những người dân (hiện ở mức 45%, mục tiêu đến năm 2030 về dưới 30%) do tăng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế; tiết kiệm chi phí điều trị bệnh nặng, tốn kém, từ đó giảm nguy cơ đói nghèo trong nhóm người có thu nhập trung bình và khá do có bảo đảm về tài chính cho chăm sóc y tế...