Cử tri Bến Tre trong ý kiến gửi trước Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV kiến nghị xem xét mở rộng phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế (BHYT) đối với một số xét nghiệm tầm soát bệnh đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu... để người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, phát hiện bệnh sớm giúp việc điều trị thuận lợi hơn.
Theo cử tri tỉnh này, nếu không tầm soát, không phát hiện bệnh kịp thời, khi điều trị bệnh nhân sẽ tốn kém hơn trong khi BHYT cũng phải chi trả.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết hiện nay, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, Quỹ BHYT chi trả các chi phí khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên đối với một số đối tượng.
Lãnh đạo Bộ Y tế nhiều lần khẳng định phạm vi được hưởng của người có thẻ BHYT hiện khá toàn diện. Gói quyền lợi BHYT của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là khá rộng rãi so với nhiều nước.
Tuy nhiên, hiện các dịch vụ phòng ngừa cá nhân như khám bệnh, phát hiện nguy cơ, chẩn đoán, điều trị sớm, ngăn ngừa tiến triển bệnh tật, bệnh mạn tính, phục hồi chức năng... không thuộc phạm vi chi trả của Quỹ BHYT. Bên cạnh đó, người dân ít có thói quen hoặc không đủ điều kiện thường không đi khám sức khỏe hoặc chẩn đoán sớm mà đến khi có bệnh, bệnh tiến triển mới đến cơ sở y tế.
Điều này khiến hiệu quả chăm sóc sức khỏe chưa cao, tỷ lệ mắc bệnh gia tăng, tạo gánh nặng và tốn kém về đầu tư cho hệ thống khám chữa bệnh, không bảo đảm nguyên tắc phòng ngừa bệnh tật từ xa, từ sớm.
Ghi nhận kiến nghị của cử tri liên quan đến việc mở rộng phạm vi chi trả của Quỹ BHYT đối với các dịch vụ tầm soát bệnh như đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu và một số xét nghiệm tầm soát khác, bà Đào Hồng Lan cho hay Bộ Y tế hiểu rõ rằng việc tầm soát và phát hiện sớm bệnh lý là vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với người cao tuổi.
"Tuy nhiên, dựa trên khả năng chi trả của Quỹ BHYT, mức đóng BHYT, chi phí hiệu quả, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định", Bộ trưởng Lan thông tin trong văn bản trả lời gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre.
Liên quan vấn đề này, trong báo cáo đánh giá tác động chính sách Dự Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi được lấy ý kiến hồi tháng 2, Bộ Y tế dẫn thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy với bệnh đái tháo đường type 2, năm 2021 ước tính gần 4 triệu người Việt mắc, trong đó 50% chưa được chẩn đoán.
Trong hơn 1,9 triệu bệnh nhân đã được chẩn đoán, Quỹ BHYT chi cho tiền thuốc là hơn 3.000 tỷ đồng/năm (chiếm khoảng 8,4% tổng chi). Năm 2023, có hơn 15,5 triệu lượt khám chữa bệnh với chi phí lên đến hơn 6.700 tỷ đồng, chiếm 5,6% tổng chi.
Đối với bệnh tăng huyết áp (một loại bệnh tim mạch hay gặp), năm 2023 có gần 22,9 triệu lượt khám chữa bệnh với chi phí là hơn 6.000 tỷ đồng, chiếm 4,9% tổng chi Quỹ BHYT.
Trong báo cáo này, Bộ Y tế đánh giá việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp giảm chi phí điều trị các biến chứng và điều trị giai đoạn muộn của bệnh, tiết kiệm cho Quỹ BHYT.
Cụ thể, theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế về đánh giá tác động ngân sách của sàng lọc tăng huyết áp và đái tháo đường type 2 tại Việt Nam, trong 10 năm đầu triển khai, việc sàng lọc đái tháo đường type 2 cho người trưởng thành từ 18 tuổi sẽ tiết kiệm được trung bình 162,3 tỷ đồng/năm; con số này với sàng lọc tăng huyết áp là 1.216,8 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, nếu áp dụng sàng lọc tăng huyết áp cho người từ 40 tuổi trở lên sẽ tiết kiệm được trung bình khoảng 604 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, đánh giá ở mặt tiêu cực, tăng chi từ Quỹ BHYT do tăng chi phí chi trả cho thực hiện các dịch vụ, sản phẩm, đối tượng bổ sung cũng được chỉ ra.
Bệnh | Tiết kiệm cho ngân sách nếu sàng lọc trong 10 năm đầu | Tăng chi từ Quỹ trong 10 năm đầu | Số tiền người dân phải chi trả nếu phát hiện sớm | Số tiền người dân phải chi trả nếu phát hiện muộn, bệnh có biến chứng |
Tăng huyết áp | 1.216,8 tỷ đồng/năm | 88,7 tỷ đồng/năm | 5,2 triệu đồng/năm | 91,9 triệu đồng/năm |
Đái tháo đường | 162,3 tỷ đồng/năm | 141 tỷ đồng/năm | 5,2 triệu đồng/năm | 10,1 triệu đồng/năm |
Trong đó, sàng lọc tăng huyết áp sẽ làm tăng chi từ Quỹ trung bình 88,7 tỷ đồng/năm trong 10 năm đầu tiên triển khai cho người từ 18 tuổi. Khi phát hiện ra trường hợp mắc bệnh, chi phí điều trị ước tính sẽ cần chi trả là gần 28.000 tỷ đồng/năm. Nếu sàng lọc cho người từ 40 tuổi trở lên, ước tính ngân sách hàng năm cần chi trả khoảng 44 tỷ đồng, và ngân sách để chi trả cho điều trị các trường hợp bệnh phát hiện qua sàng lọc là 13.881 tỷ đồng/năm.
Với sàng lọc đái tháo đường type 2, chi phí cần chi trả trung bình 141 tỷ đồng/năm trong 10 năm đầu. Đồng thời, ngân sách cần chi trả cho việc điều trị các ca bệnh phát hiện từ sàng lọc là 2.089 tỷ đồng/năm.
Về phía người dân, người bệnh tăng huyết áp nếu phát hiện trong giai đoạn sớm và điều trị kịp thời sẽ tiêu tốn trung bình hơn 5,2 triệu đồng/năm cho chi phí điều trị và quản lý bệnh. Nếu phát hiện muộn và xuất hiện biến chứng, chi phí điều trị hàng năm ước tính gần 92 triệu đồng/người (nghĩa là tăng hơn 17 lần).
Với người bệnh đái tháo đường type 2, khi chưa có biến chứng, chi phí điều trị hàng năm ước tính khoảng 5,2 triệu đồng, tuy nhiên nếu phát sinh các biến chứng, con số này là hơn 10 triệu đồng.
Bộ Y tế đánh giá Quỹ BHYT tiết kiệm được chi phí khi triển khai các dịch vụ khám, chẩn đoán đánh giá nguy cơ, tình trạng sức khỏe và điều trị sớm một số bệnh để ngăn ngừa sự xuất hiện, tiến triển của bệnh. Với người dân, việc phát hiện và điều trị sớm giúp tiết kiệm chi phí điều trị, đi lại so với khi bệnh nặng, giảm chi phí đồng chi trả. Điều này cũng góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu giảm tỷ lệ chi tiền túi hiện là 43% xuống còn khoảng 23% vào năm 2025.