Đề án Hệ thống đơn thuốc điện tử được áp dụng trên phạm vi toàn quốc sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng cho người dân và cho nhà quản lý (Ảnh minh họa: Internet) |
Đề án “Triển khai ứng dụng CNTT nhằm kiểm soát, quản lý đơn thuốc điện tử” vừa được Bộ Y tế ra quyết định phê duyệt. Bộ Y tế giao Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm đầu mối triển kế hoạch thực hiện Đề án.
Đề án hướng tới mục tiêu ứng dụng CNTT để kiểm soát kê đơn thuốc điện tử đảm bảo việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả và từng bước quản lý việc kê đơn và bán thuốc theo đơn; giúp cơ quan quản lý, cơ sở khám chữa bệnh quản trị tốt hơn việc kê đơn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đồng thời góp phần hiện đại hóa ngành y tế, tiến tới hội nhập quốc tế.
Đánh giá về thực trạng hoạt động kê đơn thuốc trong và ngoài nước, Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, các cơ sở khám chữa bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đang kê đơn thuốc bằng cách sử dụng phần mềm máy tính của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc kê đơn thuốc trực tiếp bằng tay trên giấy (đơn thuốc hoặc sổ y bạ).
Tại các bệnh viện, 100% bác sĩ đã kê đơn thuốc bằng máy tính trên phần mềm quản trị bệnh viện. Đơn thuốc được gửi tới các khoa, phòng, nhà thuốc bệnh viện và gửi tới Bảo hiểm xã hội thực hiện việc thanh quyết toán.
Việc kê đơn thuốc trên máy tính được áp dụng cho cả người bệnh nội trú và ngoại trú. Tuy nhiên, đơn thuốc của mỗi bệnh viện có một định dạng chuẩn dữ liệu khác nhau và không đồng nhất khối dữ liệu, khó liên thông ra ngoài cơ sở khám chữa bệnh. Các đơn thuốc không có mã định danh chứng thực của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và mã định danh của cơ sở khám chữa bệnh nên bác sĩ vẫn phải in đơn từ máy tính và ký trực tiếp cho bệnh nhân.
Bộ Y tế cũng cho biết, theo quy định của việc thực hiện Bệnh án điện tử, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thuê bao chữ ký điện tử của nhà cung cấp, tuy nhiên các chữ ký điện tử dưới định dạng này không truy xuất được thông tin về người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh hay cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Ví dụ như, số chứng chỉ hành nghề, phạm vi hoạt động chuyên môn hay thời gian làm việc, địa điểm đăng ký làm việc…
Trong khi đó, phần lớn cơ sở khám chữa bệnh tư nhân (phòng khám đa khoa, chuyên khoa) vẫn áp dụng việc kê đơn thuốc bằng cách viết trực tiếp vào sổ y bạ và khó để kiểm soát đơn thuốc mà bệnh nhân của bác sĩ nào kê tại đâu cũng như bác sĩ có đủ thẩm quyền kê đơn thuốc không?
Phần mềm Dược Quốc gia hiện đang triển khai nhằm quản trị các hoạt động xuất, nhập, tồn của thuốc, tuy nhiên chưa kiểm soát toàn diện việc bán thuốc theo đơn, cụ thể chưa kiểm soát được việc tái mua với đơn thuốc đã mua hoặc đã hết hạn.
Việc quản trị đơn thuốc điện tử kèm mã định danh điện tử của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là điều cần thiết. Tuy nhiên, đây là việc làm mới nên cũng cần có quy định điều kiện thực hiện và chế tài áp dụng kèm theo để đảm bảo việc áp dụng được đồng loạt thống nhất nhằm mang lại hiệu quả cao.
Từ thực tế nêu trên và trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm việc quản trị đơn thuốc và hành nghề, cơ sở khám chữa bệnh ở một số nước, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã đề xuất Đề án “Triển khai ứng dụng CNTT nhằm kiểm soát, quản lý kê đơn thuốc điện tử” (gọi tắt là Hệ thống đơn thuốc điện tử).
Cùng với việc đưa ra các nội dung công việc cùng các giải pháp về chuyên môn, CNTT và tài chính, Đề án cũng nêu rõ, để thực hiện Hệ thống đơn thuốc điện tử trên phạm vi toàn quốc cần một lộ trình dự kiến trong thời gian 1 năm. Giai đoạn thử nghiệm (3 tháng) áp dụng tại một số địa phương sau đó sẽ được triển khai áp dụng đồng thời ở các cơ sở khám chữa bệnh, chữa bệnh nhà nước và tư nhân trên phạm vi toàn quốc.
Bộ Y tế nhấn mạnh: “Cùng với xu thế phát triển của thời đại 4.0, để đáp ứng kịp thời nhu cầu đổi mới trong quản lý và hội nhập quốc tế, việc đưa ứng dụng Hệ thống đơn thuốc điện tử vào thực tế cuộc sống là điều cần thiết cấp bách. Việc triển khai đề án này sẽ đóng góp phần không nhỏ vào công tác sử dụng thuốc hợp lý, an toàn nhằm chăm sóc sức khỏe người dân”.