CTCP Tập đoàn FLC vừa có công văn phúc đáp gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) sau khi HoSE đưa ra cảnh báo về khả năng đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu FLC do vi phạm công bố thông tin.

Theo đó, FLC dự kiến sẽ phát hành báo cáo tài chính 2021 kiểm toán trong tháng 9/2022 và tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên trong tháng 11 năm nay.

FLC cho biết, tập đoàn này kỳ vọng với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý cùng sự phối hợp đẩy nhanh tiến độ của Công ty TNHH Kiểm toán An Việt, doanh nghiệp có thể phát hành và công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 dự kiến trong tháng 9 tới.

Ngay sau khi báo cáo tài chính kiểm toán 2021 được phát hành, Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC sẽ triệu tập cuộc họp ĐHCĐ năm 2022 theo đúng các trình tự được quy định hiện hành.

Tập đoàn FLC đưa ra lộ trình để tránh bị đình chỉ giao dịch cổ phiếu.

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2022, HĐQT sẽ trình thông qua nội dung lựa chọn đơn vị kiểm toán thực hiện kiểm toán, soát xét các báo cáo tài chính năm 2022 của Tập đoàn FLC, đảm bảo tuân thủ các quy định về việc lựa chọn đơn vị kiểm toán của doanh nghiệp niêm yết. 

FLC sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị kiểm toán được lựa chọn và dự kiến sẽ phát hành, công bố thông tin các báo cáo tài chính bán niên 2022 soát xét vào tháng 12/2022.

Trước đó, hôm 16/8, HoSE đã ra công văn cảnh báo về việc sẽ đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC và công ty liên quan tới hệ sinh thái này: CTCP Nông dược HAI (H.A.I) và cả AMD do chưa khắc phục vi phạm về công bố thông tin.

Theo HoSE, FLC chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên, chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021 và chưa chọn được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm nay.

Trước đó, một doanh nghiệp thuộc nhóm này là Xây dựng Faros (ROS) đã bị đình chỉ giao dịch từ 12/8 vì vi phạm công bố thông tin báo cáo tài chính quý II.

Cổ phiếu FLC đã giảm sàn hai phiên liên tiếp trong phiên giao dịch ngày 17 và 18/8, xuống mức 4.950 đồng/cp. Tính từ tháng 3/2022 (thời điểm cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam và khởi tố vì hành vi thao túng giá cổ phiếu), cổ phiếu FLC giảm mạnh 3 lần, từ mức 15.000 đồng/cp.

Vốn hóa FLC cũng đã bốc hơi khoảng 7.000 tỷ đồng kể từ giữa tháng 3 tới nay.

Tập đoàn FLC trước do ông Trịnh Văn Quyết làm chủ tịch và phát triển ở nhiều lĩnh vực, trong đó có xây dựng như ROS, bất động sản như FLC Homes hay hàng không như Bamboo Airways. Theo báo cáo tài chính quý II/2022, FLC hiện còn nắm giữ 21,7% vốn của Bamboo Airways. Tuy nhiên, tập đoàn này gần đây gặp nhiều khó khăn, vay nợ nhiều và đặc biệt suy yếu sự kiện ông Trịnh Văn Quyết bị bắt và khởi tố vị tội thao túng giá cổ phiếu.

Bamboo Airways được cho là đã về tay nhà đầu tư mới khi ông Dương Công Minh, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam và chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank),... trở thành cố vấn cho HĐQT của hãng.

Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, FLC có rất nhiều biến động về nhân sự cao cấp. 

Ông Đặng Tất Thắng được bổ nhiệm làm Chủ tịch FLC và Bamboo Airways sau khi ông Quyết bị bắt. Tại ĐHCĐ thường năm 2022 lần 2 hôm 2/7, ông Lê Bá Nguyên (1977), anh vợ ông Trịnh Văn Quyết, được bầu làm Chủ tịch FLC nhiệm kỳ 2021-2026.

Hôm 17/8, ông Đặng Tất Thắng thôi mọi chức vụ tại FLC, không còn là Phó chủ tịch. Hiện HĐQT của FLC còn lại ông Lê Bá Nguyên (chủ tịch), ông Doãn Hữu Đoàn (phó chủ tịch thay ông Thắng), bà Bùi Hải Huyền (phó chủ tịch thường trực) và ông Lê Thái Sâm.

M.Hà

Nhận tin xấu, cổ phiếu nhóm FLC bị bán tháoCác nhà đầu tư bán tháo các cổ phiếu trong hệ sinh thái FLC sau khi có thêm thông tin về các trường hợp sắp bị đình chỉ giao dịch.