Đẩy mạnh đầu tư công phục hồi nền kinh tế

UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) về tình hình giải ngân đầu tư công năm 2020 và dự kiến vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ KH-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, bố trí ngân sách Trung ương năm 2021 đối với 7 dự án là trên 3.085 tỷ đồng.

7 dự án này gồm: Chương trình xây dựng Khu Công nghệ cao (3 dự án), với 40,447 tỷ đồng; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các vùng (2 dự án) 20 tỷ đồng và Chương trình đầu tư xây dựng bệnh viện tuyến cuối (2 dự án) 3.024,789 tỷ đồng.

{keywords}
TP.HCM đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư giúp tuyến metro số 1 sớm đi vào hoạt động

Về nguồn vốn ODA, TP kiến nghị Bộ KH-ĐT phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xem xét bổ sung vốn ODA do Trung ương cấp phát cho TP năm 2021 với 6 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 là 3.961 tỷ đồng.

Về ngân sách đối ứng, TP dự kiến cân đối ngân sách giai đoạn 2021-2025 để bố trí cho kế hoạch đầu tư công là 234.585 tỷ đồng (tương đương 10 tỷ USD). Trong đó, vốn đối ứng của năm 2021 là 41.094 tỷ đồng (gần 2 tỷ USD).

Trong 9 tháng đầu năm 2020, TP.HCM đã giải ngân vốn đầu tư công được 22.835 tỷ đồng, đạt 54,2% tổng kế hoạch vốn mà TP đã giao là 42.139 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM là một điểm sáng khi số vốn giải ngân lớn hớn 2,35 lần so với cùng kỳ và tỷ lệ giải ngân tăng 1,89 lần.

Tuy nhiên, ông Phong thừa nhận tình hình giải ngân có cao hơn so với cùng kỳ, nhưng vẫn chưa đạt được theo yêu cầu của Chính phủ. Do đó, ông Phong yêu cầu các sở, ngành và quận huyện phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân mấy tháng còn lại của năm 2020, phấn đấu đạt trên 95% cả năm.

“TP xem việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công là cứu cánh, kích cầu và phục hồi nền kinh tế thời Covid-19 ”, Chủ tịch Phong chia sẻ.

{keywords}
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: Giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM là một điểm sáng

Giúp DN tiếp cận dễ dàng các gói hỗ trợ

Trước đó, UBND TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19”.

Tại buổi tọa đàm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Trần Hoàng Ngân khuyến nghị TP cùng Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và thực hiện có hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp.

Xây dựng cẩm nang về các chính sách ưu đãi riêng tại TP.HCM, nhất là cho lĩnh vực công nghệ cao. Đẩy mạnh chính quyền số, tăng cường ứng dụng công nghệ, tăng tính minh bạch thông tin,... để doanh nghiệp dễ tiếp cận chính sách.

Đối với doanh nghiệp, ông Ngân cho rằng cần đổi mới tư duy quản lý và có tầm nhìn dài hạn, có sự liên kết sản xuất theo chuỗi của các doanh nghiệp trong hiệp hội với nhau, hạn chế sự đứt gãy nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài.

Trong thời gian tạm ngưng hoạt động vì ảnh hưởng Covid-19, các DN dành thời gian để sắp xếp lại, đào tạo bổ sung cho người lao động để thích ứng với tình hình mới, tạo ra những sản phẩm thích ứng với bối cảnh hiện nay.

{keywords}
Theo ông Trần Hoàng Ngân, TP cần tháo gỡ các vướng mắc, giúp DN dễ dàng tiếp cận các gói hỗ trợ 

Còn TS. Trần Du Lịch thì đề xuất TP tháo gỡ đầu tư tư nhân để hấp thụ vốn; xây dựng chương trình phục hồi giúp doanh nghiệp tái cơ cấu lại thị trường, chuyển đổi số.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fullbright, khuyến nghị TP phải giữ cho được lực lượng doanh nghiệp vì đây là nội lực, nền tảng phục vụ cho quá trình phục hồi kinh tế; bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và người lao động.

Bên cạnh đó, TP.HCM đề xuất Trung ương giảm 30% thuế cho doanh nghiệp; Nhà nước có quỹ bảo lãnh tín dụng; gia hạn các loại thuế đã có chính sách và kéo dài thời gian thực hiện, giảm thuế giá trị gia tăng có thời hạn.   

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Chu Tiến Dũng cũng kiến nghị TP điều chỉnh các điều kiện, để các gói hỗ trợ được áp dụng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng ngành nghề, quy mô, loại hình sản xuất kinh doanh. 

Hỗ trợ doanh nghiệp hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng, liên kết nội địa như: chuyển đổi nguồn cung cấp nguyên liệu, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư tăng mạnh quy mô các nhà máy chế biến nông sản thay cho xuất khẩu thô. Ngân hàng cần ưu tiên cho doanh nghiệp vay đủ vốn đầu tư đổi mới công nghệ, sản phẩm, thị trường.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, để phục hồi nền kinh tế thì cần triển khai nhanh và giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các gói hỗ trợ. "Tôi có nghe các doanh nghiệp phản ánh việc tiếp cận các gói hỗ trợ rất khó khăn, thủ tục nhiêu Khê. TP sẽ chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ vướng mắc này", ông Phong cho hay.

Đầu tư công: 'Ứ đọng' trăm nghìn tỷ chưa tiêu được

Đầu tư công: 'Ứ đọng' trăm nghìn tỷ chưa tiêu được

Bộ Tài chính cho biết còn 11 Bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt dưới 20%.

Hồ Văn