Tính đến đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua kênh Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
Những thông tin trên được ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (NHNN) công bố. Theo ông Dũng, tác động của dịch Covid-19 đã khiến thanh toán số trở xu hướng tất yếu trong nền kinh tế và ưu tiên hàng đầu của người dùng. Để đáp ứng xu hướng đó, ngành ngân hàng đã đầu tư mạnh cho hạ tầng thanh toán, hệ thống CNTT, triển khai các công nghệ, giải pháp mới để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, thanh toán an toàn, thuận tiện, giá cả phù hợp.
Đáng chú ý, trong 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ mobile money, có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ). Điều này cho thấy, thanh toán không tiền mặt đang len lỏi tới tận thôn quê và được người dân quan tâm.
Phó TGĐ Sacombank - ông Nguyễn Minh Tâm cho biết, những hoạt động về thanh toán không dùng tiền mặt trên mọi phương diện đều có tốc độ tăng nhanh, đều khắp chứ không chỉ tập trung ở khu vực đô thị hoặc vùng có sự phát triển. Thống kê của nhà băng này, những vùng xa như vùng núi phía Bắc thì tỷ lệ giao thanh toán online cũng đã lên tới 98%.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Hùng – Phó TGĐ Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết, từ tháng 6/2021, đơn vị này đã kết hợp với nhiều ngân hàng thực hiện chuyển tiền nhanh 24/7 qua mạng lưới thanh toán bằng mã VietQR. Tới nay, giá trị giao dịch với phương thức trên lên tới 56.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng giao dịch trung bình đạt 45 – 50%/tháng, gấp 7-10 lần các dịch vụ tài chính – ngân hàng khác mà Napas đang thực hiện.
Có 36 ngân hàng đã chỉnh sửa ứng dụng mobile banking để đọc hiểu mã, từ đây, người dân có thể cá nhân hóa tài khoản ngân hàng bằng QR Code. Napas đang phối hợp với tổ chức chuyển mạch của Thái Lan để thực hiện thanh toán xuyên biên giới qua QR Code. Trong năm 2022, có thể việc thanh toán xuyên biên giới sẽ được thực hiện với Campuchia hay một số quốc gia trong khu vực.
Phát biểu tại Hội thảo “Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt” ngày 17/6, Thống đốc NHNN – bà Nguyễn Thị Hồng cho hay, hiện ứng dụng mobile banking; ví điện tử không đơn thuần chỉ để chuyển tiền mà người dân còn có thể sử dụng đa tiện ích như thanh toán hoá đơn, thương mại điện tử, mua vé xem phim, vé máy bay, tour du lịch… Ngược lại, người dân cũng có thể sử dụng gián tiếp các dịch vụ ngân hàng thông qua các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ khác như mua trả góp, mua trước - trả sau…
Cùng với đó, ngân hàng cũng đang phối hợp với Bộ Công an kết nối, khai thác thông tin công dân tại cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân gắn chip phục vụ xác thực, làm sạch dữ liệu khách hàng tại các tổ chức cung ứng dịch vụ ngân hàng.
Theo bà Hồng, tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%; nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như: mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm...; nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số; gần 70% người trưởng thành có tài khoản thanh toán.
Trần Chung