Ngày 13/12, Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp cùng trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Quỹ đổi mới sáng tạo kiến trúc tổ chức buổi tọa đàm kiến trúc "Công nghệ và vật liệu tiên tiến trong các công trình xây dựng đương đại".

Đánh giá về sự chuyển mình của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong nước thời gian qua, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Giang, Phó hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đã vươn tầm từ đơn vị cung cấp vật liệu sang công ty công nghệ về lĩnh vực này với tầm nhìn phát triển bền vững. 

Theo ông Giang, sự phát triển này là nhờ kết hợp giữa kinh doanh và khoa học, cùng với sự đóng góp của các chuyên gia trong nghiên cứu công nghệ, sản xuất để tạo ra những sản phẩm có chất lượng ngày càng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và đòi hỏi khắt khe của bạn hàng tại những thị trường khó tính.

Vị Phó hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội nêu dẫn chứng về Tổng công ty Viglacera với nhiều bước tiến chuyển mình trong phát triển và ứng dụng công nghệ mới, nhất là với nhóm vật liệu xanh thân thiện với môi trường và mang tính đồng bộ cao.

W-toa dam kien truc vietnamnet.jpg
Tọa đàm kiến trúc "Công nghệ và vật liệu tiên tiến trong các công trình xây dựng đương đại" ngày 13/12. Ảnh: Hồng Khanh

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Mai Xuân Đức, Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh Gạch ốp lát Viglacera chia sẻ, Viglacera là đơn vị đầu tiên trong ngành vật liệu xây dựng Việt Nam cung cấp đầy đủ các loại sản phẩm từ gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh, kính xây dựng, bê tông, đến sản phẩm mới như đá Vasta và sen vòi mạ PVD thân thiện với môi trường. 

Các sản phẩm vật liệu tiên tiến không chỉ tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường và người sử dụng, mà còn đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Vị này cũng cho biết, sản phẩm bê tông khí chưng áp của doanh nghiệp hiện đã được ứng dụng trong các công trình 5 sao và xuất khẩu sang các thị trường lớn như Australia, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ và châu Âu. Kim ngạch xuất khẩu của Viglacera đạt trên 50 triệu USD với gạch ốp lát và kính chịu lực phát triển mạnh, đặc biệt là đã được sử dụng tại công trình Tòa nhà Quốc hội Mỹ.

“Tấm hộ chiếu xanh” đồng hành cùng các công trình xanh

Chia sẻ tại toạ đàm, ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty CP Bê tông khí Viglacera cho biết, với công nghệ tiên tiến và độ chính xác cao trong sản xuất, các sản phẩm vật liệu tiên tiến không chỉ giúp giảm chi phí mà còn mang lại lợi ích lâu dài cho người sử dụng, chủ đầu tư và xã hội.

Như sản phẩm bê tông khí chưng áp mang thương hiệu Viglacera đã mở đường công cuộc chuyển đổi xanh của Viglacera với việc đầu tư Nhà máy Bê tông khí chưng áp Viglacera (AAC) vào năm 2010 và tấm panel ALC có lõi thép gia cường vào năm 2018.

Theo ông Phong, cả bê tông khí chưng áp (AAC) và panel ALC là vật liệu xây dựng thế hệ mới, thuộc dòng vật liệu xây không nung, trọng lượng rất nhẹ và khả năng cách âm cách nhiệt khác biệt. Là sản phẩm nhẹ, AAC và ALC giúp giảm tải trọng cho công trình, đặc biệt phù hợp với các công trình trên nền đất yếu hoặc có yêu cầu về chống động đất.

“Gạch AAC và tấm panel ALC lõi thép không chỉ cách âm, cách nhiệt với yêu cầu cao, mà còn chống cháy ở nhiệt độ 1.180 độ C trong 240 phút, cách nhiệt trong 180 phút, đạt QCVN 06 về phòng cháy chữa cháy. Hai sản phẩm này đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe nhất của quốc tế. Với "tấm hộ chiếu xanh" này, bê tông khí chưng áp Viglacera đã rộng đường xuất khẩu sang Australia và nhiều thị trường quốc tế khác”, ông Phong nói. 

Theo các chuyên gia, hiện nay doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong nước đã đáp ứng nhu cầu của mọi phân khúc công trình nhất là trong bối cảnh những công trình xanh đang ngày càng được đẩy mạnh xây dựng. 

Với kinh nghiệm của đơn vị thiết kế nước ngoài có 20 năm hoạt động tại Việt Nam và đã tham gia nhiều công trình trọng điểm quốc gia, ông Trần Công Đức, Giám đốc Công ty GMP Asia - Pacific đánh giá cao sản xuất của các nhà sản xuất vật liệu trong nước. Những sản phẩm vật liệu hiện đại, có chất lượng vượt trội, không chỉ giúp nâng cao giá trị thẩm mỹ của các công trình mà còn góp phần tối ưu hóa hiệu suất sử dụng, bảo vệ môi trường và đáp ứng những tiêu chuẩn bền vững ngày càng khắt khe.