Thu hút FDI nhưng phải thoát phận gia công
“Giai đoạn trước đây, chúng ta đã có cơ hội đón nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhưng chưa sự thành công. Thực ra chúng ta chỉ trở thành nơi gia công", ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse, chia sẻ tại tọa đàm “Việt Nam sẵn sàng đón sóng dịch chuyển vốn FDI: Cơ hội và thách thứ” do Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội tổ chức ngày 30/6.
Ông Phú nói tiếp: Là nơi gia công nên chúng ta phải chịu ô nhiễm môi trường, phải hứng chịu mặt trái của FDI và phải trả giá. Vậy nên, nhìn nhận việc thu hút FDI lần này với cái nhìn “thận trọng với cơ hội” và hy vọng lần này Việt Nam tiếp nhận dòng vốn FDI hiệu quả.
Các chuyên gia và doanh nghiệp đều khuyên "thận trọng với cơ hội" thu hút FDI lần này |
Đứng ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Phú kể lại quãng thời gian cách đây 16 năm khi liên doanh với doanh nghiệp Hàn Quốc. Ông Phú cho biết, trước đây, Sunhouse là thương hiệu của Hàn Quốc, nhưng hiện tại là của Việt Nam. Vậy phải làm sao để liên doanh, liên kết để sau này mình làm chủ được, không phải là người làm thuê.
“Mỹ, châu Âu, xuất nhập khẩu thông thường chỉ chiếm 15-20% GDP thôi, còn lại họ tự chủ tới 80%. Nền kinh tế như vậy mới thực sự tự cường, tự chủ. Còn chúng ta chỉ là nơi gia công nên chiếm được rất ít lợi nhuận trong chuỗi giá trị. Trong khi đó, con cái chúng ta phải chịu những vấn đề về ô nhiễm môi trường mà phải mất nhiều thế hệ mới xử lý được”, lãnh đạo Sunhouse chia sẻ.
Cũng với cái nhìn thận trọng trước làn sóng thu hút FDI, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, chia sẻ: Thực tại chúng ta lệ thuộc quá nhiều vào thị trường bên ngoài. Nếu không sáng suốt sẽ dẫn chúng ta đến thất bại mà không ngờ được. Chúng ta có thể thắng hôm nay, ngày mai nhưng về lâu dài sẽ không thắng được nếu chúng ta không rút kinh nghiệm.
“Chúng ta phải có một nền kinh tế tự cường mới phát triển được, dân tộc Việt Nam mới tự hào, ngẩng cao đầu được”, ông Thắng nhấn mạnh vấn đề xây dựng nền kinh tế tự cường, biết bảo vệ mình để doanh nghiệp Việt lớn mạnh.
“Có thật có làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng này không? Làn sóng này có từ bao giờ?”, ông Phan Hữu Thắng đặt câu hỏi rồi tự trả lời: Phần lớn chúng ta nghĩ Việt Nam thành công trong chống dịch Covid-19 là cứ thế doanh nghiệp FDI sẽ vào. Vấn đề không dễ như vậy. Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, đã có dịch chuyển chuỗi cung ứng. Sự chuyển dịch đó phải nhìn theo hướng chuyển dịch toàn cầu, không phải chỉ từ Trung Quốc sang.
Theo nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, việc “bốc” một nhà máy khỏi một nước không hề dễ dàng. Do đó, ngay năm 2020, không có gì chắc chắn việc doanh nghiệp ở Trung Quốc chuyển dịch sang Việt Nam. Với tình hình đại dịch như vậy, thị trường mỗi nước đều thay đổi. Nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc sẽ tự lựa chọn, giảm bớt đầu tư ở Trung Quốc và chuyển dần sang các hướng khác, trong đó có Việt Nam.
Ông Thắng cho rằng, cơ hội ấy không chỉ đến với nước ta mà còn nước khác. Ấn Độ, Indonesia cũng đã có động tác để thu hút FDI. Còn nhà đầu tư nước ngoài, khi quyết định rót vốn vào quốc gia nào, cũng đều quan tâm đến việc bảo toàn được vốn và có lợi nhuận.
Học hỏi từ nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Việt phải có được nhiều thương hiệu Việt. |
Từ thực tế của mình, ông Nguyễn Xuân Phú nhìn nhận: Dịch chuyển nhà máy là rất khó. Trong khi các công ty trên toàn cầu co cụm vì dịch bệnh, việc mở thêm các nhà máy ở Việt Nam cũng là điều khó. Do vậy, làn sóng dễ nhất mà Việt Nam có thể đón chính là dịch chuyển đơn hàng sang sản xuất ở Việt Nam của các tập đoàn.
"Các tập đoàn sẽ phải chuyển giao công nghệ, dịch chuyển một phần trong chuỗi cung ứng và sản xuất để tránh rủi ro từ thuế hoặc từ dịch bệnh khi đặt tất cả ở Trung Quốc. Ở gần Trung Quốc cho Việt Nam lợi thế. Người Việt Nam rất cũng linh hoạt", ông Phú nhận xét.
Tiến dần lên làm chủ
Ông Nguyễn Xuân Phú cho rằng, nghệ thuật đón nhận vốn FDI là phải khôn khéo để làm sao chúng ta có thể giai đoạn đầu làm gia công, làm thuê nhưng phải học hỏi được công nghệ, dần dần làm chủ được, hiểu được nhu cầu khách hàng thế nào.
“Sau này nắm được công nghệ rồi, tạo ra được sản phẩm cho châu Âu, cho Mỹ rồi chúng ta phải tạo được thương hiệu. Nếu làm gia công thì chỉ hưởng lợi được 5% trong chuỗi giá trị thôi”, ông Phú nhấn mạnh.
Để làm được điều đó, cần sự chung tay tháo gỡ của Nhà nước bởi chỉ riêng việc xin chứng chỉ xuất khẩu vào Mỹ đòi hỏi rất nhiều thứ, bản thân doanh nghiệp không làm được.
Bình luận về việc Thủ tướng thành lập Tổ công tác về thu hút FDI, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, đánh giá điều này khẳng định Việt Nam đang có những thời cơ tốt, phải thay đổi để đạt được mục tiêu đón được dòng vốn có chất lượng, lan toả trong nước.
Ông Toàn cũng chung quan điểm thu hút FDI nhưng không quên DN “nội”. "Làm thế nào để FDI vào Việt Nam thì doanh nghiệp trong nước lớn lên chứ không chỉ làm thuê, thậm chí làm thuê ở phân khúc thấp như hiện nay. Doanh nghiệp Việt Nam phải lớn lên, cạnh tranh ngang ngửa với doanh nghiệp FDI", ông Toàn góp ý.
Theo ông Phan Hữu Thắng, các giải pháp không đúng mãi theo thời gian, chỉ đúng trong từng giai đoạn, từng bối cảnh. Nếu áp dụng một giải pháp mãi thì sẽ không đem lại kết quả tốt.
Ông nhấn mạnh: Covid-19 đã cho chúng ta một bài học về huy động nguồn lực toàn dân. Vì thế cần có chỉ đạo sát sao về đầu tư nước ngoài. Tổ công tác phải giao nhiệm vụ cụ thể, giống như chống dịch Covid-19, tạo ra sự đồng thuận để toàn bộ hệ thống chính trị hiểu rõ vai trò của đầu tư nước ngoài.
Lương Bằng
Nhập khẩu từ sợi vải đến khung sắt, phận làm thuê trên quê hương mình
Nếu làm được thép nóng, làm được sợi, vải, phát triển công nghiệp cơ khí, chế tạo... chúng ta sẽ làm chủ được nền tảng sản xuất, quyết định sự thịnh vượng của quốc gia.