Buôn Tul B, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk có 315 hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ chiếm khoảng 90%. Tuyến đường liên buôn gần trung tâm xã đã sử dụng lâu năm, trong khi mật độ lưu thông cao khiến mặt đường bị hư hỏng nặng, xuất hiện nhiều ổ trâu, ổ gà.
Đến năm 2023, các tuyến đường lô 2, lô 3 (buôn Tul B) và lô 2 (buôn Tul A) đã được ưu tiên duy tu, bảo dưỡng theo Tiểu dự án 1 của Dự án 4 (Chương trình mục tiêu quốc gia 1719) về “Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc”. Ba tuyến đường liên buôn được nâng cấp với tổng chiều dài khoảng 1,5 km, kinh phí khoảng 1,3 tỷ đồng.
Cải thiện diện mạo giao thông nông thôn, miền núi
Buôn Đôn là một trong 2 huyện biên giới của tỉnh Đắk Lắk với 29 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào các DTTS có hơn 8 nghìn hộ, chiếm trên 46% tổng dân số toàn huyện. Điều kiện tự nhiên không thuận lợi, đất đai cằn cỗi, nguồn nước khan hiếm nên đời sống đồng bào DTTS gặp nhiều khó khăn.
Với mục tiêu bảo đảm kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh, đến nay, trên địa bàn huyện Buôn Đôn đã duy tu, bảo dưỡng 11 công trình đường giao thông nông thôn; khắc phục triệt để tình trạng xuống cấp trầm trọng của nhiều tuyến đường liên thôn, buôn, liên xã.
Hiện tỷ lệ cứng hóa đường đô thị đạt 57,3%; nhựa hóa, bê tông hóa đường huyện Buôn Đôn đạt 86,1%; nhựa hóa, bê tông hóa đường cấp xã, liên xã đạt 98,2%; đường liên thôn, buôn đạt 55%; đường nội thôn, buôn đạt 67,5%. Kết cấu hạ tầng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống đồng bào các DTTS.
Tiêu biểu như duy tu, bảo dưỡng hai tuyến đường giao thông thôn 8, xã Ea Huar; đường giao thông thôn 8, xã Tân Hòa; đường giao thông buôn Ea Rông, xã Krông Na; đường giao thông buôn Niêng 1, xã Ea Nuôl…
Trong quá trình thực hiện các dự án, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội huyện, xã đã tích cực tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu trên địa bàn đối với mỗi hộ gia đình và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Những năm qua, huyện Buôn Đôn thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc đồng bộ, sát với thực tế từ huyện đến cơ sở và mang lại hiệu quả cao. Sử dụng linh hoạt các nguồn vốn của Nhà nước, tài trợ của nước ngoài và sự đóng góp của nhân dân, giai đoạn 2019-2024, huyện đã xây dựng 157 công trình, gồm công trình giao thông, thủy lợi, trường học...
Thông qua việc đầu tư xây dựng hoặc duy tu sửa chữa các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân đã góp phần giúp lưu thông, trao đổi hàng hóa dễ dàng, người dân đi lại thuận tiện.
Từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển; diện mạo giao thông nông thôn trên địa bàn huyện có nhiều khởi sắc; thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.
Bên cạnh đó, dù còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, huyện cũng nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào DTTS.
Năm 2024 toàn huyện Buôn Đôn có 299 hộ đồng bào DTTS được hỗ trợ nhà ở (mỗi hộ được ngân sách Trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng, ngân sách tỉnh 4 triệu đồng và được vay thêm 40 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội).
Về hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, năm 2023, đã hỗ trợ vật dụng chứa nước cho 612 hộ, với số tiền gần 1,47 tỷ đồng. Năm 2024 hỗ trợ cho 692 hộ, dự kiến kinh phí trên 2 tỉ đồng, v.v...
Tỷ lệ hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 53,87%, trong đó hộ đồng bào DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 50,91%.