LTS:Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.
Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ góc nhìn của ông với Diễn đàn.
Việt Nam trong năm qua đã đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 11 năm qua và chúng ta vẫn thuộc nhóm các quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới. Trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế lên tới 200% và tình hình địa chính trị của khu vực, thế giới rất phức tạp mà chúng ta vẫn đạt được thành tựu như vậy chứng tỏ, sức chịu đựng của nền kinh tế đã được củng cố và tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, tôi muốn đề cập đến những vấn đề khác.
Năm nay, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017. Tốc độ tăng như vậy là quá chậm. Nhìn sang các nước xung quanh, thu nhập bình quân đầu người của họ đều đã vượt lên 6.000-7.000 USD cả rồi, Trung Quốc cũng đạt gần 9.000 USD.
Nếu chúng ta không tăng trưởng cao, bền vững thì khoảng cách ngày càng doãng ra, chúng ta sẽ tụt hậu. Chúng ta phải duy trì tăng trưởng tốc độ cao liên tục trong thời gian dài, thậm chí phải cao hơn so với chỉ tiêu 6,8% của năm 2019, và phải khơi thông, tận dụng hết mọi tiềm năng, điều kiện của người dân, doanh nghiệp và đất nước cho phát triển.
Ông Nguyễn Chí Dũng. Ảnh Lê Tiên. |
Trong điều hành cần thận trọng, vừa lắng nghe, phân tích các vấn đề của thế giới, vừa khắc phục những vấn đề nội tại của nền kinh tế, để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kinh tế phát triển bền vững và niềm tin thị trường. Tuy nhiên, khi xuất hiện những vấn đề có thể tăng tốc cũng cần linh hoạt tận dụng mọi cơ hội, chứ không chỉ cầu toàn chăm chăm ổn định kinh tế vĩ mô mà không dám bứt phá, tăng tốc.
Tôi cho rằng cần hành động quyết liệt hơn, với tư duy mới, tầm nhìn mới, tranh thủ các cơ hội mới để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ hơn. Có vậy thì Việt Nam mới trở nên thịnh vượng, mới phấn đấu đạt mức thu nhập bình quân đầu người 10.000 USD đến năm 2035.
Chìa khóa để làm đất nước trở nên thịnh vượng, theo tôi, là cải cách thể chế. Chúng ta cần tiếp tục cải cách, đổi mới để tiếp cận đến những giá trị của kinh tế thị trường, hay nắm bắt được các xu hướng mới của thế giới, nếu không làm sẽ mất đi cơ hội.
Điều quan trọng nhất là luật pháp, chính sách phải lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể để cùng đồng hành, hỗ trợ sao cho người dân, doanh nghiêp tin tưởng đầu tư kinh doanh và phát triển được hết các tiềm năng. Các chính sách chỉ đúng khi mang lại hạnh phúc cho người dân, thịnh vượng cho doanh nghiệp. Từ đó, tôi cho rằng, tốc độ cải cách cần mạnh mẽ, thực chất hơn nữa.
Bên cạnh đó, không thể không đổi mới mô hình trưởng tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh vì đã đến lúc chúng ta không thể dựa vào vốn và khai thác tài nguyên để tăng trưởng.
Tôi đặc biệt nhấn mạnh đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi toàn diện các mọi mặt của đời sống, từ thể chế, luật pháp, phương thức kinh doanh, sản xuất, hay cách sống. Nếu chúng ta tận dụng được, chúng ta có cơ hội để bứt phá.
Trong quá khứ, chúng ta đã bỏ lỡ các cuộc cách mạng công nghiệp khác, còn cuộc cách mạng này mới bắt đầu, chúng ta có thể tiến lên, tiến cùng nếu có tầm nhìn, có khát vọng và có chiến lược bài bản.
Trong thời gian tới, nền kinh tế Việt nam có bứt phá, đột phá hay không là do cách chúng ta tiếp cận, chấp nhận khoa học, công nghệ như thế nào. Chính khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là câu chuyện phát triển của Việt Nam.
Hiện nay, chúng ta có những hạn chế như năng lực cạnh tranh thấp, năng suất lao động thấp, khả năng của doanh nghiệp Việt Nam kết nối với doanh nghiệp FDI hạn chế… Tất cả những yếu điểm này chung quy là do chúng ta chưa có công nghệ, chưa nắm được công nghệ.
Bất kể quốc gia phát triển nào đều đầu tư rất lớn cho khoa học, công nghệ. Vừa rồi, tôi đi thăm một số quốc gia phát triển mạnh về khoa học, công nghệ và cảm thấy rất sốt ruột khi so sánh với chính chúng ta.
Hiện nay, một số doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu chuyển hướng, tham gia vào phát triển công nghệ. Tuy nhiên, đó là sự vận động tự thân của họ, còn bàn tay của Nhà nước hay chính sách của Nhà nước chưa đủ mạnh, chưa đủ khuyến khích họ. Đây là điều Nhà nước cần khắc phục trong thời gian tới.
Bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều việc cần làm.
Chúng ta phải tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để phát triển kinh tế tư nhân tốt hơn. Một số doanh nghiệp tư nhân trong những năm qua đã đầu tư vào nhiều dự án hạ tầng lớn của đất nước, mang lại sự phát triển nhưng khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn đối mặt với nhiều nhiều rào cản. Nghị quyết của Đảng khẳng định, kinh tế tư nhân phải trở thành động lực quan trọng, nên phải có sân chơi bình đẳng, minh bạch cho họ trong tiếp cận các nguồn lực. Tôi cho rằng, phải tập trung làm cho được những quy định trong Nghị quyết.
Ngoài ra, cả nhà nước và doanh nghiệp cần chuẩn bị cho việc hội nhập sâu rộng sau khi chúng ta đã phê chuẩn CPTPP và hướng tới EVFTA. Phát triển cơ sở hạ tầng đang thiếu hụt cũng rất cấp thiết. Đó là những nhiệm vụ rất lớn cả trước mắt và lâu dài.
Tôi tin là chúng ta hoàn toàn có thể “bứt phá” để tiến lên bằng trí tuệ và hành động quyết liệt, hiệu quả, bằng đổi mới tư duy và mở rộng tầm nhìn.
Lan Anh lược ghi
Trân trọng kinh mời quý vị độc giả gửi bài cho Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” theo địa chỉ email: tuanvietnam@vietnamnet.vn
Xem thêm các bài viết khác của Diễn đàn Vì Việt Nam hùng cường đăng tải trên Chuyên trang Tuần Việt Nam/ Báo VietNamNet:
Vượt trần thể chế
Nếu không quyết tâm cải cách, chúng ta mãi chỉ là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, không có gì đáng tự hào.