- Không thể không nhắc đến ca khúc được gửi tới dự thi đầu tiên ở hạng mục Nhạc của cuộc thi “Đây biển Việt Nam”. Đó là “Tổ quốc gọi tên mình” của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn (phổ thơ Nguyễn Phan Quế Mai).


Ngay sau buổi phát động cuộc thi (ngày 15.8.2011) tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam, BTC chương trình đã nhận được ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” gửi từ TP.HCM ra dự thi. Sáng ngày 16.8.2011, BTC đã hào hứng mở ca khúc này (phổ thơ Nguyễn Phan Quế Mai, ca sĩ Tạ Minh Tâm trình bày) để anh chị em trong ban biên tập cùng nghe thử. Ai cũng xúc động tâm đắc với phần ca từ hùng tráng, mạnh mẽ, phản ánh một tình yêu quyết liệt, chân xác với chủ quyền lãnh thổ, với non song gấm vóc. Giọng thơ cứng cỏi và chiêm nghiệm đến mức ai cũng tưởng đó là một nam nhà thơ đã … có tuổi và cực kỳ từng trải, không ngờ lại thuộc về một nữ nhà thơ vẫn còn đang xuân.

Mời bạn đọc nhấn vào đây để nghe lại ca khúc "Tổ quốc gọi tên mình"

Phần âm nhạc của ca khúc quá lộng lẫy và hùng tráng, mang nhiều âm hưởng thính phòng, được viết rất chỉn chu, kỹ lưỡng về khúc thức, kết cấu chặt chẽ, nhất quán, được phối khí cẩn thận đến từng chi tiết. Người nghe trào dâng một tình cảm mãnh liệt về tình yêu quê hương, đất nước, như được khích lệ, thôi thúc thoát khỏi sự tầm thường hàng ngày, mong muốn làm một điều gì đó lớn lao hơn, mạnh mẽ hơn.

Ngay sau khi VietNamNet giới thiệu, ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” đã nhanh chóng lan tỏa trong cộng đồng người nghe. Một số ca sĩ khác nhau đã xin phép tác giả được trình bày ca khúc. Trên các trang nghe nhạc online, số lượt nghe ca khúc này tăng nhanh đến chóng mặt. Và các chương trình công diễn cũng tấp nập lời xin phép nhạc sĩ để được hát “Tổ quốc gọi tên mình”.

Cuối năm 2011, thật bất ngờ khi Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Nhạc sĩ TP.HCM đều công bố quyết định trao tặng Giải A (giải cao nhất) cho “Tổ quốc gọi tên mình”. Đây là tin vui, rất vui. Và VietNamNet cũng nhanh chóng đưa tin về sự kiện trao giải của Hội Nhạc sĩ.

Hải quân đảo Sinh Tồn trong ca tuần tra (Ảnh: Võ Tiến)

Tuy nhiên, ngay sau khi nhận giải thưởng liên tiếp của hai Hội nhạc sĩ, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn đã viết một bức thư, với sự chân thành và cái tâm cao cả, đề nghị BTC “Đây biển Việt Nam” hãy rút ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” ra khỏi hạng mục dự thi, cho phép tác giả chuyển sang hạng mục hưởng ứng.

“Tôi đã gửi tác phẩm đến dự thi “Đây biển Việt Nam” từ rất sớm, nhưng, tôi cũng không thể ngờ rằng hai Hội Nhạc sĩ lại cùng có quyết định tặng giải thưởng cao nhất của năm cho ca khúc này - Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn tâm sự - Viết nên tác phẩm, phản ánh tình yêu quê hương đất nước là trách nhiệm của người nghệ sĩ với non song, còn sau khi tác phẩm đã công bố thì đời sống của nó như thế nào, con đường đi của nó khó khăn hay gập ghềnh, bị quên lãng hay được vinh danh, là phụ thuộc vào tầm cỡ của tác phẩm; và còn có chút gì đó như là cơ duyên nữa.

Ngay từ đầu, khi gửi tác phẩm, tôi đã mong muốn rằng ca khúc sẽ là một phần chung tay góp sức làm lay động tình yêu Tổ quốc trong lòng người nghe. Tôi gửi dự thi vì “Đây biển Việt Nam” là một sân chơi tuyệt vời cho mục đích trên.

Thế nhưng, hiện tại, tôi đã bất ngờ nhận được hai giải thưởng của hai Hội Nhạc sĩ. Tôi thiết nghĩ, như thế là quá đủ đối với một tác phẩm. Đủ theo nghĩa rằng tôi sáng tác không phải chỉ để nhằm mục đích nhận giải thưởng.

Thời gian vừa qua, tôi cũng đã theo dõi cuộc thi “Đây biển Việt Nam”, nghe các ca khúc mà các tác giả khác gửi tới cuộc thi, và tôi thực sự vui mừng vì có rất nhiều sáng tác mới đã cùng đồng tâm hướng về tình yêu biển đảo, yêu Tổ quốc.

Chính vì suy nghĩ rằng các sáng tác không phải chỉ để nhận giải thưởng, tôi chân thành gửi tới BTC “Đây biển Việt Nam” lời cám ơn sâu sắc vì đã tạo ra được một cuộc thi với mục đích và ý nghĩa cao quý như thế, nhưng riêng về tác phẩm của cá nhân tôi, xin đề nghị BTC cho phép tôi được rút ra hạng mục gửi hưởng ứng cuộc thi, không dự thi nữa.

Bởi vì, trên hết, cao hơn tất cả, tác phẩm có sống được trong lòng công chúng hay không mới là điều cần chú trọng, chứ không phải các giải thưởng. Và, tôi vọng đây cũng là sự công bằng, khách quan và công tâm hơn đối với các nhạc sĩ khác khi BGK ngồi vào xét giải”.

Hình ảnh đêm công diễn và trao giải cho các tác phẩm đoạt giải cuộc thi

Thực ra thì điều này hoàn toàn không đi ngược với định hướng ngay từ đầu của BTC “Đây biển Việt Nam”. BTC mong muốn tạo ra một không gian mở, để các nhạc sĩ và các nhà thơ cùng nhau hướng tâm về tình yêu Tổ quốc, với hy vọng sẽ có nhiều sáng tác tốt về đề tài này. Điều lệ cuộc thi chỉ quy định tác giả gửi bài đến BTC khi chưa công bố tác phẩm ở bất kỳ đâu, phải đảm bảo đó là sáng tác mới. Và, một hy vọng nữa của BTC là các tác phẩm quy tụ tại cuộc thi “Đây biển Việt Nam” sẽ được lan tỏa đến cộng đồng người đọc, người nghe, mang theo thông điệp về tình yêu Tổ quốc lớn lao, rộng khắp, kết đoàn, tương thân tương ái.

Sau rất nhiều vòng chấm xét, hội ý, thảo luận công khai giữa các thành viên BGK và BTC, cuối cùng thì BTC (cho dù rất khó khăn) nhưng vẫn phải đồng ý, tôn trọng đề xuất của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn. Bởi vì, người nghệ sĩ đã sẵn sàng hy sinh mọi quyền lợi của riêng mình, vì những điều lớn lao hơn. Và, như nhạc sĩ Huy Thục đã phát biểu: “Giải thưởng nào cũng hữu hạn…” , hoặc nhà thơ Trịnh Công Lộc (đoạt Giải Nhì) cũng cho rằng: “Nhiều tác phẩm không được trao giải có thể còn hay hơn tác phẩm của những người đoạt giải là chúng tôi…” – Mục đích của người trao và người nhận ở cuộc thi “Đây biển Việt Nam” đều chung một hướng, là quy tụ lòng người về một nơi thiêng liêng, để cùng nhau tôn vinh cái đẹp cao cả là tình yêu Tổ quốc.

Không xướng tên trong hạng mục trao giải của đêm công diễn cuối cùng nhưng đã để lại dấu ấn đặc biệt không thể nào quên từ thời điểm đầu tiên, và chắc chắn là trong tâm khảm của người nghe nhạc. “Tổ quốc gọi tên mình” của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn tri ân Tổ quốc, còn BTC “Đây biển Việt Nam” xin tri ân với nhạc sĩ về một sự cao cả, rộng lớn hơn những điều bình thường của cuộc sống.

Hòa Bình