Đẩy mạnh tiến trình CÐS
Chia sẻ về tiến trình CÐS của ngành tài nguyên môi trường (TN&MT) Cà Mau, bên lề Hội nghị chuyên đề về CĐS của Bộ Tài nguyên & Môi trường mới đây, ông Lê Quốc Hiếu, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật - Công nghệ - Quan trắc TN&MT (Sở TN&MT tỉnh Cà Mau) cho biết: Khắc phục những khó khăn trong cập nhật dữ liệu, Sở đang từng bước hoàn thiện số hóa nhiều hồ sơ, thủ tục, quy trình, góp phần đem lại sự thuận lợi cho các đơn vị, địa phương và người dân, đóng góp chung vào tiến trình CÐS của tỉnh.
Cụ thể, lấy các bộ chỉ số cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành trong các lĩnh vực của đơn vị là hướng đột phá, việc hoàn thành 7 bộ CSDL của ngành tại Cà Mau đang từng bước được hoàn thành vượt kế hoạch. Theo đại diện Sở TN&MT Cà Mau, hiện tỉnh đã xây dựng được 7 CSDL quản lý chuyên ngành, trong đó có 3 CSDL về lĩnh vực đất đai, gồm: CSDL địa chính (Vilis, VNPT-iLIS); hệ thống quản lý hợp đồng thuê đất; hệ thống quản lý thông tin quy hoạch sử dụng đất và giá đất.
2 hệ thống quản lý, thông tin dữ liệu về môi trường (Envim Cà Mau) và số liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục (Envisoft) thuộc lĩnh vực môi trường; 1 hệ thống quản lý dữ liệu và cấp phép tài nguyên nước dưới đất thuộc lĩnh vực tài nguyên nước; 1 CSDL quản lý TN&MT biển và hải đảo. Cả 7 hệ thống CSDL này đều là dữ liệu "sống”, được cập nhật liên tục và đang trở thành dữ liệu lõi trong hoạch định chính sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
“Ðây là 7 CSDL quản lý chuyên ngành quan trọng được xây dựng, tạo bước đi mới cho ngành, chuyển từ quản lý thủ công sang số hóa các quy trình, hồ sơ, thủ tục, góp phần đem lại sự thuận tiện, dễ dàng, chính xác, nhanh gọn trong việc khai thác thông tin; giúp công tác tham mưu, cung cấp thông tin cho việc quản lý Nhà nước được hiệu quả, đồng thời rút ngắn thời gian trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC)”, ông Hiếu nói thêm.
CĐS không phải là… khẩu hiệu
Chia sẻ thêm về khâu kỹ thuật trong thu thập và hoàn thiện CSDL, ông Lê Quốc Hiếu cho biết: Tính đến hết tháng 11/2024 việc quản lý đất đai tại Cà Mau về cơ bản đã được số hóa. Cụ thể, CSDL địa chính của 7/9 huyện, thành phố (gồm 86/101 xã, phường, thị trấn) tại tỉnh Cà Mau đã được quản lý; CSDL của 2 huyện còn lại là Năm Căn và Ngọc Hiển (gồm 15 xã, thị trấn), đang triển khai thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thành ngay trong năm 2024 này.
“Với phương châm CĐS không phải là khẩu hiệu. CSDL địa chính, đất đai hay tài nguyên môi trường đều được cập nhật chuẩn xác, đầy đủ và ngày càng dễ dàng quản lý hơn. Ví dụ, sau khi hoàn thành xây dựng CSDL về đất đai, Bộ Công an, Bộ TN&MT đã cùng Sở TN&MT, Công an tỉnh phối hợp triển khai và rà soát giải pháp kết nối, quản lý thông tin người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất thông qua CSDL quốc gia về dân cư và ứng dụng VneID. Qua rà soát, bản đồ quy hoạch và sử dụng đất đã trở nên minh bạch và dễ quản lý hơn theo mục đích sử dụng”, ông Hiếu cho biết.
Nói về lợi ích của hệ thống CSDL khi hoàn thiện, đại diện Sở TN&MT cho biết thêm, khi dữ liệu đã được số hóa và quản lý tập trung nên việc lưu trữ, cung cấp hồ sơ cho người dân nhanh chóng. Thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, môi trường đã rút ngắn được thời gian giải quyết hồ sơ (thay vì mất từ 3-5 ngày như trước đây giờ chỉ còn 30 phút đến nửa ngày). Đặc biệt, thay vì chờ việc, cán bộ Sở TN&MT đã chủ động hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên lĩnh vực TN&MT.
Cụ thể, Sở TN&MT Cà Mau đã xây dựng nhóm Zalo để thông báo chính sách, trao đổi thông tin và giải đáp các thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp. Sở TN&MT còn chú trọng CÐS gắn với việc cải cách TTHC, từng bước nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hiện 102 loại TTHC thuộc lĩnh vực TN&MT đều đủ điều kiện cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình mức độ 4. Nếu năm 2023, tỷ lệ nộp TTHC xử lý trực tuyến đã ở mức rất cao (trên 80%), thì trong năm 2024 này sẽ cán mốc 100% với mức độ hài lòng và tín nhiệm cao của người dân.
Được biết, Cà Mau là tỉnh có 3 mặt tiếp giáp với biển, diện tích lãnh hải khoảng 67.000 km2. Đây là vùng biển có trữ lượng hải sản lớn và phong phú cả về chủng loại. Cà Mau cũng là tỉnh có chiều dài bờ biển trên 254km, chiếm 1/3 chiều dài bờ biển vùng ĐBSCL, bằng 7,8% chiều dài bờ biển của cả nước nên có tiềm năng nuôi trồng thủy hải sản như: nghêu, sò huyết, hàu, tôm nước mặn… có giá trị kinh tế cao. Sản lượng khai thác, đánh bắt thuỷ sản khoảng 300 ngàn tấn/năm.
Về tài nguyên đất, do Cà Mau là vùng đất mới do phù sa bồi tụ, được hình thành bởi 2 dòng hải lưu ở biển Đông và Vịnh Thái Lan, nhận phù sa của sông Cửu Long bồi đắp nên mỗi năm mũi Cà Mau lấn vươn ra biển cả trăm mét dài. Do là đất trẻ, mới được khai phá sử dụng, có độ phì nhiêu lớn nhưng diện tích nhiễm phèn, nhiễm mặn hay ngập mặn, ngập lợ cũng tương đối lớn.
Theo CSDL phân loại đất, tỉnh Cà Mau được chia thành 6 nhóm, với 26 đơn vị chú dẫn bản đồ theo hệ thống phân loại của FAO/WRB. Thông qua CSDL từng loại đất (91,41% diện tích tự nhiên toàn tỉnh Cà Mau là đất phèn và đất mặn: Đất phèn 268.843 ha (chiếm 50,77% diện tích tự nhiên); Đất mặn 215.135 ha (chiếm 40,63% diện tích tự nhiên) nên giờ đây Cà Mau đã có chiến lược phát triển kinh tế cho từng loại đất cụ thể, thay vì phải “bốc thuốc” trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội nói chung, quản lý tài nguyên nói riêng như trước kia.