Theo báo cáo về tình hình phòng chống tội phạm liên quan đến không gian mạng trong năm 2024 của UBND tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã khởi tố 47 vụ, 8 bị can liên quan lừa đảo trên không gian mạng, tăng 35 vụ so với cùng kỳ năm trước.
Trong số này, có 33 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, 12 vụ sử dụng máy tính, mạng viễn thông và phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản, cùng 2 vụ cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện và xử lý 3 trường hợp mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, tội phạm lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội diễn biến phức tạp, nhưng chưa có giải pháp đấu tranh, xử lý hiệu quả.
"Một bộ phận người dân chưa hiểu rõ về công nghệ, tham lợi nhuận, tham gia các hoạt động giao dịch, đầu tư không rõ nguồn gốc trên không gian mạng, dẫn đến "sập bẫy" các đối tượng lừa đảo", UBND tỉnh Cà Mau đánh giá nguyên nhân.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo công an tham mưu đầu tư trang thiết bị; bố trí cán bộ có trình độ công nghệ thông tin, nghiệp vụ phù hợp, xử lý tội phạm trên không gian mạng hiệu quả hơn;…
Tỉnh này còn tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao để người dân chủ động phòng ngừa, phối hợp lực lượng chức năng đấu tranh, xử lý.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông trong thời gian qua, các sự cố lộ lọt thông tin, dữ liệu cá nhân, lừa đảo trực tuyến diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Một trong những nguyên nhân chính gây ra mất an toàn thông tin được xác định đến từ nhận thức của người sử dụng.
Để phòng ngừa, ngành chức năng khuyến cáo mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, không nên nghe theo những lời dụ dỗ lôi kéo về việc nhẹ, lương cao. Khi nhận các cuộc điện thoại, tin nhắn có dấu hiệu bất thường, người dân cần bình tĩnh xác minh thông tin, xem xét một cách cẩn thận, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung mà đối tượng đưa ra. Tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết lạ hoặc không rõ nguồn gốc. Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số căn cước công dân, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
Bên cạnh đó, người dân cần chủ động trang bị những kỹ năng cơ bản, bảo đảm an toàn thông tin cá nhân như: Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội như: Con cái, địa chỉ nhà, số điện thoại, số căn cước công dân…; sử dụng mật khẩu nhiều lớp để bảo đảm an toàn thông tin cá nhân và thường xuyên kiểm tra, cập nhật kiến thức mới về các mối đe dọa bảo mật. Học cách phòng ngừa, sử dụng công cụ bảo mật như phần mềm chống virus và chống đánh cắp thông tin.
Đình Sơn