Nỗ lực vượt khó

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã linh hoạt, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn để đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và phát triển hiệu quả số người tham gia vào “lưới” an sinh BHXH, BHYT.

Nhờ đó, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đến hết tháng 6/2023 đều tăng so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể có: 17,48 triệu người tham gia BHXH, tăng 662 nghìn người (khoảng 3,9%) so với cùng kỳ năm 2022, đạt 37,5% lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi. 90,89 triệu người tham gia BHYT, tăng 4,35 triệu người (khoảng 5,04%) so với cùng kỳ năm 2022, đạt 91,86 % dân số. 14,29 triệu người tham gia BHTN, tăng 495 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022, đạt 30,7% LLLĐ trong độ tuổi.

tgd nguyen the manh.png

Đảm bảo chi trả chế độ BHXH, BHTN đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng: Công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHTN được thực hiện đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng, đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động (NLĐ) nhất là trong bối cảnh việc làm, thu nhập của người dân còn chịu ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch Covid-19. 

Kết quả, 6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành giải quyết cho khoảng 37 nghìn người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; 665.423 người hưởng các chế độ BHXH một lần; 4.386.236 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho  499.824 người hưởng chế độ BHTN, trong đó: 490.726 người hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) và 9.098 người hưởng mới hỗ trợ học nghề. 

Bên cạnh đó, công tác chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHTN luôn được thực hiện đúng quy định và tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng. Ngoài việc chi trả BHXH, TCTN qua hệ thống bưu điện, tiếp tục vận động, khuyến khích người nhận các chế độ qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, hiện có khoảng 62% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, TCTN qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị (tăng khoảng 1% so với năm 2022).

anh lanh dao.png

Đảm bảo kịp thời quyền lợi BHYT cho người tham gia

Công tác thực hiện chính sách BHYT được triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả quỹ BHYT. Đặc biệt, để đảm bảo quyền lợi BHYT cho người tham gia, trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài tại nhiều bệnh viện, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu, quản lý và sử dụng thuốc, vật tư trang thiết bị y tế. Đồng thời, phối hợp giải quyết các vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT... phục vụ kịp thời các hoạt động KCB BHYT, chăm sóc sức khỏe cho người dân tại các cơ sở KCB.

Tính hết tháng 6/2023, cả nước có khoảng 82,98 triệu lượt người KCB BHYT nội trú và ngoại trú (tăng 18,76 triệu lượt người so với cùng kỳ năm 2022); với số tiền giám định, thanh toán là 57.03 tỷ đồng (tăng 10.79 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022).

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số

Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) luôn được ngành chú trọng, rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm tối đa về quy trình, thủ tục; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số nhằm cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi tối đa phục vụ người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH. 

Nổi bật, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện Quy trình liên thông điện tử đối với 2 nhóm thủ tục “Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí”; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Chính phủ, như: tiếp tục phối hợp với Bộ Công An thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ Căn cước công dân, ứng dụng Định danh điện tử (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để KCB BHYT; tích hợp, cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến trên Cổng DVC Quốc gia; đẩy mạnh triển khai ứng dụng VssID với gần 30 triệu tài khoản đã được phê duyệt, tính đến hết tháng 6/2023…

Ngoài các lĩnh vực nghiệp vụ, 6 tháng đầu năm 2023, BHXH Việt Nam còn tăng cường triển khai các hoạt động thiện nguyện, trao tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho trên 140 nghìn người có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị 53,4 tỷ đồng; cùng với BHXH các tỉnh, thành phố trao tặng 2.484 suất quà có giá trị gần 1,42 tỷ đồng cho các bệnh nhân KCB BHYT đang điều trị ở các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh và tuyến huyện tại 61 tỉnh, thành phố. 

Đây là hoạt động thường xuyên của ngành BHXH Việt Nam mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm huy động sự chung tay của toàn xã hội để ngày càng có nhiều người dân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn được tham gia và thụ hưởng chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Thúy Ngà