Singapore hướng đến mục tiêu định hình lại tương lai của ngành du lịch, bằng cách ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để góp phần phục hồi và phát triển ngành kinh tế mũi nhọn.
Đại gia gặp khó
Thị trường kinh doanh chuỗi trà và cà phê Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt. Ảnh hưởng bởi Covid-19, các đại gia lớn trong lĩnh vực này phải tạm dừng kế hoạch mở rộng, thậm chí phải đóng cửa bớt các cửa hàng, cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí.
Từ 1/7, Starbucks đã đóng cửa địa điểm kinh doanh tại phố Hàng Bài. Khai trương vào cuối tháng 7/2014, Starbucks Lan Viên là cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội của chuỗi cà phê đến từ Mỹ. Trước đó, Starbucks Press Club trên phố Lý Đạo Thành, Hoàn Kiếm đã đóng cửa. Tại TP.HCM, chuỗi cà phê này cũng dừng hoạt động chi nhánh tại khách sạn Rex (quận 1, TP.HCM).
Theo khảo sát, điểm bán hàng của Starbucks tại Hà Nội thường ở các toà nhà chung cư cao cấp hoặc văn phòng. Một số quán có quy mô diện tích khá lép vế so với Highlands và Aha ngay sát nách. Hiện, Starbucks có 78 cửa hàng trên cả nước, con số khá khiêm tốn so với các chuỗi nội địa đang cùng cạnh tranh thị phần như Highlands Coffee, The Coffee House, Trung Nguyên Legend.
King Coffee, một thương hiệu quán cà phê hướng tới khách hàng cao cấp cũng đã đóng cửa sau khi khai trương tại một biệt thự ở Linh Đàm. Chuỗi này từng đặt tham vọng phát triển 1.000 cửa hàng bao gồm 800 cửa hàng bán cà phê mang đi và 200 quán cà phê cao cấp tại Việt Nam.
Tương tự, Highlands đóng cửa nhiều điểm kinh doanh sau khi có tranh chấp về giá thuê do ảnh hưởng của dịch. Năm 2021, Highlands Coffee tại điểm Trung tâm thương mại Artemis vướng lùm xùm về vấn đề mặt bằng, sau đó đóng cửa cho tới nay. Tại TP.HCM, CTCP Nhà Hòa Bình đã gửi đơn tố cáo vì bị Highlands nợ gần 5 tháng tiền nhà.
Highlands Coffee cũng chính thức điều chỉnh giá đồ uống, tăng 10-15%, thậm chí có loại còn tăng 18% (10.000 đồng) so với giá cũ. Tại một số quán đặc biệt và các quán ở sân bay, giá bán có thể khác so với menu tiêu chuẩn. Việc tăng giá một số sản phẩm tới 18% của chuỗi cà phê này khiến nhiều khách hàng tỏ ra không hài lòng, lượng khách cũng giảm khá nhiều. Trong khi đó, với hơn 520 cửa hàng tính đến giữa tháng 8/2022, Highlands Coffee là cái tên dẫn đầu về độ phủ.
The Coffee House, chuỗi cà phê với hơn 150 cửa hàng trên cả nước, đã chuyển bán hàng sang sử dụng ly giấy và thẻ rung tại cửa hàng, giống như Highlands Coffee. Trước đây, việc dùng ly thuỷ tinh và cốc sứ từng tạo nên khác biệt cho thương hiệu. DN này lựa chọn tự mở chứ không nhượng quyền như Highlands Coffee. Ảnh hưởng của dịch, The Coffee House phải đóng cửa hơn 20 cửa hàng để giảm chi phí vận hành cũng như chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Số cửa hàng Trung Nguyên Legend của Trung Nguyên không những không tăng mà còn thu hẹp: từ gần 100 cửa hàng cuối 2019 giờ còn có 77.
Trong khi các chuỗi cà phê cao cấp gặp khó thì Aha lại mở rộng khá nhanh. Tại phố Tôn Thất Tùng, sau dịch, điểm bán của Aha đã tăng gấp đôi diện tích nhờ thuê lại mặt bằng bên cạnh. Theo đuổi phong cách “cà phê vỉa hè”, chuỗi Aha thường đặt vị trí tại ngã ba hoặc ngã tư. Thống kê chưa đầy đủ, Aha có gần 90 chi nhánh khắp cả nước.
Áp lực
Tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Mordor Intelligence Inc cho biết, ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kép hằng năm, lên tới 8,65% giai đoạn 2021-2026. Theo các chuyên gia, ngành đồ uống có cơ hội lấy lại vị thế sau dịch, nhưng để tiếp tục hoạt động mở rộng thị phần không hề đơn giản.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Savills Việt Nam, cho rằng, ngành nghề ăn uống F&B - một trong những phân khúc chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất do tác động của chính sách giãn cách xã hội, tiếp tục chứng kiến động thái trả mặt bằng sớm hoặc chấm dứt gia hạn hợp đồng của rất nhiều DN, trong đó có cả những thương hiệu nổi tiếng.
Áp lực lớn nhất vẫn là câu chuyện mặt bằng. Đại diện một đơn vị thừa nhận, để thực hiện chiến lược gia tăng độ phủ, việc tìm kiếm mặt bằng là khó khăn lớn nhất do không thể thương lượng được giá thuê. Chưa kể, giá đầu vào tăng, doanh nghiệp có những hợp đồng đầu vào dài hạn thì vẫn phải cân đối, đảm bảo biên lợi nhuận lành mạnh.
Các thương hiệu cũng đang phải thay đổi mô hình kinh doanh để tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Starbucks hướng đến sự tinh gọn, mở thêm các cửa hàng nhỏ, săn tìm các mặt bằng xa trung tâm, các khu đô thị mới, cao ốc hay các cộng đồng địa phương - thay vì tập trung vào những địa điểm đẹp nhưng chi phí tốn kém như trước. Highlands Coffee từng đổ bộ đường phố với ô tô lưu động, giá rẻ hơn.
Bà Trang cho hay, thời gian qua, không chỉ nhóm dân số trẻ, mà cả các tầng lớp trung niên hay cao tuổi cũng bắt đầu thích nghi với việc sử dụng công nghệ trong việc mua bán online. Việc này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng, độ trung thành của họ sẽ giảm và họ dễ bị tác động bởi các thông tin, những đánh giá ngay trên online.
Không chỉ vậy, thị trường tiếp tục đón nhiều đại gia mới. PhinDeli Café, sau khi về tay Nova Service, bắt đầu mở rộng thị phần. Trong năm 2022, công ty đặt mục tiêu phát triển 100 cửa hàng, kios trên cả nước. Đến năm 2026 sẽ nâng lên 2.500 cửa hàng tại Việt Nam.
Tương tự, Phúc Long Coffee & Tea sau khi về chung nhà với Tập đoàn Masan năm 2021, đến giữa năm 2022, đã mở rộng hệ thống lên 93 cửa hàng riêng lẻ và 981 kios tích hợp trong chuỗi siêu thị WinMart. Café Amazon (thành viên Tập đoàn Central) đẩy nhanh sự hiện diện bằng cách tập trung vào chiến lược nhượng quyền thương mại.
Có thể nói, kinh doanh chuỗi cà phê nhiều tiềm năng nhưng thách thức không nhỏ. Bài học về sự ra đi của chuỗi cửa hàng bán sữa đậu nành Soya Garden, Gloria Jean’s Coffees, Espressamente Illy vẫn nóng mà các ông chủ lớn cần quan tâm.