Cả thế giới đang tiếp tục hồi hộp theo dõi liệu Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un có tiến hành thử hạt nhân lần nữa hay không. Giữa bối cảnh đó, Bình Nhưỡng càng khấy đảo căng thẳng bằng cách tung video mô phỏng tấn công Nhà Trắng và hàng không mẫu hạm Mỹ.
Trong video, một tên lửa đáp xuống Washington, D.C., nổ tung thành một quả cầu lửa khổng lồ. Ông Kim Jong Un được nhìn thấy mỉm cười và vẫy chào đám đông đang xem một thành phố Mỹ bị xóa sổ vì bị tấn công bom hạt nhân.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang mạnh trong những ngày qua. |
Trước đó, Bình Nhưỡng tiến hành tập bắn pháo quy mô lớn ở thành phố Wonsan để kỷ niệm 85 năm thành lập quân đội. Sự kiện này có sự tham gia của hơn 300 khẩu pháo nòng lớn, và bao gồm tấn công ngư lôi từ tàu ngầm nhằm vào mô hình tàu chiến địch.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc trích dẫn một nguồn tin chính phủ xác nhận đây là cuộc tập trận lớn chưa từng có từ trước đến nay của Triều Tiên.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump xác định mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên hiện là thách thức an ninh nghiêm trọng nhất của Mỹ.
Bản thân ông Trump đã thể hiện quyết tâm và có những lời lẽ cứng rắn cũng như hành động quyết liệt để gây sức ép với chính quyền Kim Jong Un. Ông thậm chí điều cụm tàu tấn công uy lực tới khu vực, dẫn đầu là siêu hàng không mẫu hạm Carl Vinson. Cùng ngày, Triều Tiên phô diễn sức mạnh quân sự, tàu ngầm chạy bằng hạt nhân USS Michigan của Mỹ được trang bị các tên lửa hành trình Tomahak cập cảng ở Triều Tiên.
Tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cũng đón tiếp các đại sứ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và thúc ép họ áp đặt cấm vận gắt gao hơn lên Triều Tiên. Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Giám đốc Tình báo quốc gia Dan Coats cũng đã có cuộc họp để báo cáo về tình hình Triều Tiên trước toàn bộ Thượng viện ở Washington hôm 26/4.
"Mọi nỗ lực trước kia đều không thể ngăn được chương trình vũ khí cùng các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân trái phép của Triều Tiên", CNN trích dẫn tuyên bố chung của ba ông Tillerson, Mattis và Coats sau cuộc họp.
"Với mỗi lần khiêu khích, Triều Tiên lại gây hại cho bình ổn ở Đông Bắc Á và tạo ra mối đe dọa ngày càng lớn đối với các đồng minh của Mỹ và cả lãnh thổ Mỹ", Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Harry Harris nhấn mạnh khi phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện. Ông mô tả cuộc khủng hoảng hiện nay với Triều Tiên là "tồi tệ chưa từng thấy".
Mới đây, phía Hàn Quốc tiết lộ đang lắp đặt các bộ phận cơ bản của hệ thống đánh chặn tên lửa tân tiến (THAAD). Phát ngôn viên Moon Sang-gyun của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết hệ thống này sẽ sớm "hoạt động thực sự".
Đến nay, Tổng thống Trump đã thành công trong việc thúc giục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sử dụng ảnh hưởng kinh tế để gây sức ép với Bình Nhưỡng. Phía Bắc Kinh kiên định kêu gọi tất cả các bên liên quan cần phối hợp với nhau để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải mô tả tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên "là một thách thức đối với tất cả chúng ta. Chúng ta nên phối hợp với nhau để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho vấn đề này".
Về phía Nga, Giám đốc Hội đồng An ninh nước này cáo buộc các cường quốc bên ngoài đang đẩy Hàn Quốc và Triều Tiên tới bờ vực chiến tranh. "Chúng ta không nên đánh giá thấp vấn đề bán đảo Triều Tiên. Các ranh giới phân chia mới đang hình thành ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương", ông Patrushev nói, đồng thời đưa ra cáo buộc rằng những kẻ kích động bên ngoài đang đẩy Bình Nhưỡng và Seoul tới chiến tranh.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho tiếp cận Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) để nhờ giúp đỡ. Trong thư gửi Tổng thư ký hội, ông Yong Ho cảnh báo tình hình trên bán đảo Triều Tiên "đang tiến đến vực thẳm chiến tranh" và bày tỏ hy vọng ASEAN sẽ đóng một vai trò tích cực trong việc bảo vệ hòa bình của bán đảo Triều Tiên.
Thanh Hảo