“Ai ở đâu thì ở đó”
Chính phủ đưa ra hàng loạt giải pháp cấp bách. Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) chủ động quyết định và chỉ đạo cấp dưới áp dụng nghiêm các giải pháp theo quy định, tương ứng với các mức độ nguy cơ theo tinh thần Chỉ thị 15, 16 và 19 của Thủ tướng với phương châm có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính |
Trong đó, Chính phủ đặc biệt lưu ý trong lãnh đạo, chỉ đạo, việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là thực hiện giãn cách xã hội phải được triển khai thực chất, nghiêm ngặt, mạnh mẽ, quyết liệt, chặt chẽ ngay từ đầu, xuyên suốt trong tất cả các cấp; làm việc gì phải dứt khoát việc đó, không chần chừ, do dự, chập chờn, thiếu cương quyết, thiếu bản lĩnh.
Bám sát thực tiễn với tinh thần “hiệu quả trên hết” phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tính sáng tạo, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và từng bước mở rộng, hoàn thiện, điều chỉnh ngay bảo đảm sát với diễn biến tình hình theo tinh thần không cầu toàn, không nóng vội và tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi dịch đi qua; cấp trên phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra cấp dưới, rà soát các khâu, các điều kiện, biện pháp phòng, chống dịch bệnh để sẵn sàng đáp ứng nhanh khi tình hình dịch bệnh thay đổi.
Các địa phương căn cứ vào các quy định chung của Trung ương, chủ động ban hành theo thẩm quyền các quy định về phòng, chống dịch, bảo đảm đồng bộ, nhất quán, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn.
Đặc biệt chú trọng chỉ đạo công tác phối hợp chặt chẽ, thông tin kịp thời giữa các ngành, các địa phương. UBND các cấp kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh phù hợp với tình hình cụ thể tại địa bàn và chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp.
Chính phủ yêu cầu tất cả các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, phát hiện, xử lý ngay người đến từ vùng có dịch hoặc đến từ địa bàn khác theo quy định của địa phương mà không khai báo, người rời khỏi địa phương đang giãn cách xã hội mà không được phép của cấp có thẩm quyền theo quy định.
Căn cứ tình hình và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, chủ động áp dụng linh hoạt các biện pháp cần thiết như: Hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn nhất định trên nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”; dứt khoát không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch làm lây lan sang các địa bàn, địa phương khác.
Tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; thực hiện biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc; kêu gọi, thuyết phục, huy động, trưng dụng tài sản, phương tiện, trang thiết bị và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan trong phạm vi thẩm quyền quản lý. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch UBND cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng trước khi áp dụng.
Chính phủ cũng yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả xử lý hình sự theo quy định của pháp luật đối với mọi hành vi không tuân thủ, cản trở, chống đối việc thực hiện các quy định, biện pháp phòng, chống dịch bệnh của cơ quan có thẩm quyền.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an địa phương tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền và làm nòng cốt trong tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ này.
TP.HCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9
Đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng phải quán triệt nghiêm “chủ trương 1, tổ chức thực hiện 10”, bảo đảm chặt chẽ, thực chất. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc “chặt ngoài, lỏng trong”.
Kể từ ngày bắt đầu giãn cách: trong thời hạn 14 ngày phải xác định được cụ thể và bảo vệ được thật chắc các “vùng xanh”; có biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”, “vùng cam” thành “vùng vàng” và khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ”; trong thời hạn 28 ngày phải kiểm soát được tình hình trên địa bàn, phải cô lập được các “vùng đỏ” ở phạm vi hẹp nhất.
TP.HCM phấn đấu kiểm soát được dịch Covid-19 trước ngày 15/9 |
Chính phủ lưu ý, TP.HCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9. Các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1/9.
Các tỉnh, thành phố khác phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8. Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện cụ thể.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đưa ra hàng loạt giải pháp về công tác y tế trong đó có xét nghiệm; về sàng lọc, phân loại người nhiễm và điều trị bệnh nhân Covid-19; về vắc xin, thuốc điều trị Covid-19; xây dựng kịch bản và bảo đảm công tác y tế phòng, chống dịch bệnh.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu, căn cứ mức độ nguy cơ, diễn biến dịch bệnh, Bộ Y tế xây dựng các kịch bản phòng, chống dịch ở mức thấp, mức trung bình, mức cao và các phương án ứng phó tương ứng bảo đảm công tác y tế trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đưa ra các giải pháp về bảo đảm an ninh, trật tự; về sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa; về các chính sách hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội; về thông tin, truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin.
Cùng với đó, Chính phủ cũng đưa ra các cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có việc cấp giấy đăng ký lưu hành và thông quan thuốc, vắc xin phòng Covid-19; về cơ chế, hình thức mua sắm...
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/7/2021 đến hết ngày 31/12/2022.
>>> XEM TOÀN VĂN: Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Xét nghiệm “thần tốc”, phát hiện F0 nhanh nhất Chính phủ yêu cầu các địa phương chỉ đạo xét nghiệm “thần tốc” nhằm phát hiện F0 nhanh; phải kiểm soát, tuyệt đối không bỏ sót, không để F0 tiếp tục tiếp xúc, di chuyển làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Các địa bàn thực hiện phong tỏa cần tập trung xét nghiệm để phát hiện F0 nhanh nhất, không để lây lan ra cộng đồng. Đối với các địa bàn có mức độ lây lan rộng như TP.HCM và một số tỉnh lân cận cần thực hiện đồng bộ trong xét nghiệm, chăm sóc, điều trị, bảo đảm giảm tối đa tỷ lệ bệnh nặng, tỷ lệ tử vong và tuyệt đối không để lây lan sang các địa bàn khác. Tập trung mọi nguồn lực, trang thiết bị để cứu chữa giảm bệnh nhân nặng, nguy kịch, hạn chế tối đa tử vong. Về vắc xin, thuốc điều trị Covid-19, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh hoạt động “ngoại giao vắc xin” bằng mọi biện pháp; thúc đẩy viện trợ, mua, nhập khẩu vắc xin để đáp ứng yêu cầu tiêm nhanh nhất, nhiều nhất có thể, sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Về sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, Chính phủ lưu ý tránh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa, dịch vụ, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất. Có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, việc này phải bảo đảm, tạo điều kiện cao nhất các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chỉ những cơ sở bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định mới được phép hoạt động, trên tinh thần an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn. Cùng với đó, bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, ổn định đời sống của người dân, đặc biệt là bảo đảm cung ứng trực tiếp đến người dân ở những khu vực phong tỏa, giãn cách xã hội. |
Thu Hằng
Bệnh nhân F0 được miễn viện phí điều trị liên quan đến Covid-19
Bệnh nhân F0 được ngân sách nhà nước chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh liên quan trực tiếp đến điều trị Covid-19, riêng bệnh nền vẫn thanh toán theo quy định.