Tại workshop "Tương lai của trí tuệ nhân tạo tạo sinh trong doanh nghiệp" chiều 21/9, trong khuôn khổ Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2023 (AI4VN), GS. TS Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Câu lạc bộ Khoa - Trường - Viện Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam (FISU) cho biết, AI tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho sự phát triển.
Theo giáo sư, một trong những lý do khiến AI thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp là bởi được xem như giải pháp "một vốn trăm lời". Báo cáo từ các tổ chức quốc tế phân tích dữ liệu kinh doanh của 12 lĩnh vực trên toàn thế giới cho thấy, ứng dụng AI giúp lợi nhuận doanh nghiệp tăng 15-20%. Thị trường AI thế giới dự tính sẽ đạt 15.700 tỷ USD vào năm 2030.
Chủ tịch AI Next Global, ông Cao Xuân Hoài Vương cũng cho rằng, AI không phải là một xu thế tạm thời mà là một bước ngoặt của kỷ nguyên, tác động vào tất cả lĩnh vực kinh tế, y tế, sức khỏe... Các doanh nghiệp hoặc sử dụng AI hoặc sẽ bị tụt hậu.
Ông Cao Xuân Hoài Vương cho biết, hiện nhiều quốc gia trên thế giới có chính sách thúc đẩy phát triển AI như Nhật Bản, Singapore đều có các chiến lược phát triển AI. Tại Việt Nam, theo ông, để thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng AI cần vai trò định hướng của các bộ, ngành, coi AI là cơ hội để doanh nghiệp phát triển và vươn lên.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, các doanh nghiệp "Big Tech" và startup AI nên kết hợp với nhau để cùng phát triển. Các bộ, ban ngành, các doanh nghiệp nên quan tâm đến việc đào tạo cho toàn dân cách ứng dụng AI vào kinh doanh và sản xuất, để từ đó họ hiểu rằng "AI dễ sử dụng, nâng cao năng suất".
Ông Võ Minh Thảo, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị toàn quốc, Công ty TNHH Điện máy Aqua Việt Nam, cũng nhấn mạnh, công nghệ AI có sức lan tỏa mạnh mẽ, có nhiều ứng dụng trong sản xuất, y tế, môi trường, công nghệ thông tin. Dẫn chứng công nghệ AI mang đến khả năng tự động hóa mọi nhiệm vụ, ông cho biết tại nhà máy Aqua 8.000 m2 giờ chỉ cần hai nhân viên vận hành. AI giúp Aqua kiểm tra mọi lỗi kỹ thuật, đưa tỷ lệ lỗi về 0%. AI giúp đơn vị phân tích dữ liệu lớn và ra quyết định thông minh.
"Trước đây, quy trình từ sản xuất đến tay người tiêu dùng cần 30-45 ngày. Với AI, chúng tôi xây dựng mô hình giả lập chỉ trong 7 ngày", ông Võ Minh Thảo cho biết.
TS Lê Thái Hưng, Giám đốc Chiến lược VNPT AI cũng khẳng định tác động to lớn của AI đối với nền kinh tế toàn cầu. Theo ông, nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ này là công nghệ AI được sử dụng để nén các tri thức của con người. Thậm chí, chỉ với chiếc điện thoại di động trên tay, mỗi người cũng có thể tự có bên mình một trợ lý AI. AI có thể quyết định thay công người một số việc, giúp hiệu suất công việc tăng cao, nhờ có hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện.
Tại AI4VN, các chuyên gia trong nước và quốc tế đều cho rằng, AI là tương lai để thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu trong thời gian tới. Đây là khởi đầu cho một cuộc cách mạng công nghệ mới, đòi hỏi cần phải có sự hành động từ Chính phủ và doanh nghiệp. Tuy nhiên, mọi việc không thể nóng vội mà ở đây cần sử dụng AI có trách nhiệm, cần đưa ra các bộ quy tắc ứng xử để hạn chế các rủi ro, các quy chuẩn về đạo đức do phát triển AI gây ra.
Tại Việt Nam, các chuyên gia đánh giá, AI đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm phát triển, điển hình là ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về “Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030". Chiến lược đưa ra mục tiêu "đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0”, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã tập trung phát triển các giải pháp về AI, đặc biệt là VinBigdata với việc cho ra mắt mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt do chính người Việt phát triển. Đây sẽ là điểm nhấn để thúc đẩy phát triển công nghệ này, đặc biệt là AI tạo sinh trong nước vào thời gian tới.