Theo tờ South China Morning Post, giáo sư Viên Quốc Dũng tại Đại học Hong Kong cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã nghiên cứu được vắc xin ngừa virus corona mới, vốn đã gây ra cái chết của 132 người tại Trung Quốc tính đến ngày 29/1/2020.

Theo giáo sư Viên, loại vắc xin được tách ra từ virus trong ca nhiễm virus corona Vũ Hán đầu tiên tại Hong Kong.

"Chúng tôi đã sản xuất được vắc xin nhưng sẽ cần thêm nhiều thời gian để thử nghiệm loại vắc xin này trên động vật", ông Viên cho biết. Mặc dù chưa đưa ra khung thời gian cụ thể, chuyên gia này khẳng định sẽ mất vài tháng để thử nghiệm vắc xin trên động vật và ít nhất 1 năm để thử nghiệm lâm sàng trên người trước khi có thể đưa vào sử dụng.

Giáo sư Viên Quốc Dũng

Cụ thể, vắc xin sẽ được tiêm vào động vật thí nghiệm để xem những loài này này có tạo ra phản ứng miễn dịch hay không. Động vật đã được tiêm phòng vắc xin sau đó sẽ được cho tiếp xúc với virus để thử nghiệm hiệu quả.

 "Nếu vắc xin tỏ ra hiệu quả và an toàn trên một số loài động vật, nó sẽ sớm được thử nghiệm lâm sàng trên con người. Quá trình này sẽ mất ít nhất một năm kể nếu mọi việc thuận lợi".

Được biết, loại vắc xin cho bệnh viêm phổi Vũ Hán được sản xuất dựa trên một loại vắc xin cúm dạng xịt mũi, vốn được phát triển trước đó bởi đội ngũ của giáo sư Viên. Các chuyên gia tại Đại học Hong Kong đã sửa đổi loại vắc xin cúm này với một phần kháng nguyên bề mặt của virus corona. Nếu được thử nghiệm thành công, loại vắc xin này sẽ là lời giải cho dịch bệnh hiện lây nhiễm cho hơn 4.500 người tại Trung Quốc đại lục, khiến 132 người thiệt mạng.

Riêng tại Hong Kong, đã có 8 ca nhiễm vi rút corona mới và hiện có 103 người nghi ngờ nhiễm bệnh đang bị cách ly tại các bệnh viện công.

Theo Tân Hoa Xã, bệnh viện Đông Thượng Hải thuộc đại học Đồng Tế (Thượng Hải) đã phê chuẩn một dự án phát triển vắc xin chống vi rút corona mới. Theo đó, vắc xin sẽ do bệnh viện và công ty công nghệ sinh học Stemirna Therapeutics ở Thượng Hải phát triển. Lãnh đạo công ty Stemirna Therapeutic tuyên bố mẫu vắc xin sẽ được sản xuất trong vòng 40 ngày và sẽ được thử nghiệm trước khi đưa vào sử dụng sớm nhất có thể.

Theo GenK