Dám nghi, dám nghĩ, dám nghỉ do NXB Trẻ phát hành ghi lại những câu chuyện do tác giả mắt thấy, tai nghe và kể lại trên chuyến hành trình lập thân, lập nghiệp ở Mekong, Sài Gòn và San Francisco. 

06728efc34e3e1bdb8f2.jpg

Sách được chia làm 3 phần tương ứng với ba chữ “dám” lớn nhất mà tác giả từng vượt qua trong đời:

Dám nghi viết về giới hạn cá nhân, nghịch lý của dân học tiếng Anh, chọn sự nghiệp hay chọn gia đình, và làm gì khi lựa chọn của mình không chọn lại mình.

Dám nghĩ viết về định kiến giới trong tình yêu, những bài học cuộc sống tác giả Ai Huynh ngộ ra từ các môn thể thao mới thử lần đầu ở Mỹ, câu chuyện giáo dục ở Silicon Valley, và điều gì làm ta hạnh phúc.

Dám nghỉ viết về những kỳ nghỉ lễ ở Mỹ, nghỉ việc có phải là thất bại hay không, một mối quan hệ đã mất, tâm lý hành vi người dùng công nghệ (có thể, độc giả sẽ cân nhắc lại mối quan hệ với smartphone sau khi đọc phần này) và ở đâu là nhà.

VietNamNet đã có cuộc trao đổi rất thú vị với tác giả Ai Huynh.

-Đề cao những thiếu sót, khiếm khuyết là cách bạn vượt qua giới hạn của bản thân?

Tôi không dám đề cao chúng mà cho rằng việc đón nhận thiếu sót, khiếm khuyết một cách bình tĩnh và cởi mở sẽ giúp tôi vượt qua một số giới hạn của bản thân.

Như một ví dụ trong cuốn sách của mình, hồi mới ra trường đi làm ở TP HCM, tôi làm việc trong môi trường nói tiếng Anh thường xuyên, lại hay đi báo cáo ở nước ngoài, lần nào cũng “lành lặn” trở về, nên từng nghĩ tiếng Anh của mình cũng xài được. Khi sang Mỹ học Thạc sĩ, tôi mới nhận ra tiếng Anh không phải là ưu điểm, mà là khuyết điểm của bản thân. Tôi nói không hay, không tự nhiên như người Mỹ. Không thể đề cao chuyện đó mà hoang mang, hụt hẫng thì đúng hơn! 

Sau nhiều chuyện xảy ra ở Mỹ, thỉnh thoảng được mời làm diễn giả ở trường cùng một số diễn đàn phụ nữ và kinh doanh, tôi nhận ra mọi người ở đây trân trọng giá trị công việc mình đem lại là chính. Họ đã chấp nhận tôi là người nói tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ hai, thì lý do gì tôi chưa chấp nhận chính mình. 

Từ khi đón nhận điểm yếu một cách bình tĩnh và cởi mở, tôi thấy dễ học hỏi và phát triển hơn. Trong một công ty cũ ở Silicon Valley, tôi là lãnh đạo duy nhất không phải người Mỹ. Đó là một điểm son trong sự nghiệp cá nhân và cũng là cột mốc của công ty khuyến khích môi trường đa văn hóa.

-‘Dám hạnh phúc’ là mệnh đề bạn muốn nhắm đến sau 3 từ ‘dám’ được nhấn mạnh trong ‘Dám nghi, dám nghĩ, dám nghỉ’? Phải chăng hạnh phúc là một khái niệm chứa đầy rủi ro và thách thức?

Khi viết bản thảo cuốn sách này, tôi chỉ tập trung vào ba chữ “Nghi” - “Nghĩ” - “Nghỉ” mở rộng câu chuyện đã nói ở TEDx Talk: Rethink: Education, Women’s Career and Inner Transformation.

Cụ thể, tôi viết về các giới hạn bản thân và cách vượt qua, tips phát triển nghề nghiệp dành cho người trẻ nhất là những người muốn chuyển ngành hay mới ra trường, tình yêu giản dị với cuộc sống (bởi vì đâu phải chỉ tình yêu đôi lứa mới làm mình vui), góc nhìn về tình yêu hôn nhân gia đình (vì tôi mới kết hôn trong mùa dịch), ảnh hưởng của AI và smartphone đến tâm lý và hành vi của người dùng.

dsc8319.jpg
Nữ tác giả Ai Huynh

Khi biên tập cuốn sách, BTV Minh Trang ở NXB Trẻ nửa đùa nửa thật là: những câu chuyện trong cuốn sách này có màu sắc chung là chữ DÁM to đùng mà người trẻ nên hướng đến tiếp theo: “Dám mưu cầu hạnh phúc”. Đó là một góc nhìn thú vị mà tôi đã không nghĩ tới.

Đúng là đường tới hạnh phúc sẽ có những rủi ro. Tôi chỉ làm chủ được ở chỗ dám mưu cầu, dám đi những bước nhỏ cho chính mình. Tôi không thể làm chủ được kết quả. Tuy vậy, không làm chủ được kết quả cũng không có nghĩa là phải bỏ cuộc. Dám tin bản thân có thể đạt được một cột mốc nhỏ phía trước là niềm tin có thể đúng hoặc sai mà thời gian sẽ trả lời, nhưng quan trọng là nó hữu ích ngay trước mặt.

-Tôi còn thắc mắc nữa muốn hỏi bạn: Vì sao là 'Dám nghỉ' chứ không phải 'Dám làm'?

Tôi nghĩ rằng nhiều người trong chúng ta đang nặng gánh trên vai nhiều trách nhiệm, mục tiêu phải làm này làm nọ. Họ biết cách làm và đã dám làm rồi. Nói về “dám nghỉ”, trong cuốn sách này, tôi khuyến khích nhịp nghỉ ngắn và nhịp nghỉ dài.

Nhịp nghỉ ngắn là nghỉ ngơi sau giờ làm, cuối tuần. Thử khám phá thiên nhiên thay vì ngồi máy lạnh, thử trò chuyện với người ngoài đời thay vì ôm smartphone.

Nhịp nghỉ dài là ngừng hẳn một mối quan hệ hay công việc, hay một lối nghĩ không còn đúng người đúng chỗ. Không phải tất cả, nhưng ở một số chuyện, “dám nghỉ” đem lại sự bình an để ta có năng lượng đi được hành trình dài hơi hơn.

-Thất bại lớn nhất của bạn là gì?

Tôi từng đồng sáng lập một công ty và đóng cửa sau một năm vì quản lý không hiệu quả. Bản thân học được nhiều từ sự thất bại đó. Đam mê kinh doanh hay cơ hội gõ cửa là những yếu tố cần nhưng chưa đủ. Người khởi nghiệp cần kỹ năng quản lý kinh doanh, tuyển dụng, đào tạo đội ngũ và sự bền chí khi có quá nhiều việc xảy ra không như ý. 

Thất bại đó cũng dạy tôi bớt ý kiến về cách người khác làm việc, hiểu và đồng cảm hơn với những bạn đang khởi nghiệp.

-Cho đến bây giờ, sự lựa chọn nào khiến bạn hối hận và mong có cơ hội làm lại?

Khi chuẩn bị phát hành Dám nghi, dám nghĩ, dám nghỉ, phía NXB có gợi ý gửi bản thảo cho các nhân vật có tiếng đọc trước và xin lời nhận xét để trích bìa. NXB Trẻ có những tiêu chuẩn cao về sách, họ đã làm dự án này chắc nội dung cũng không đến nỗi... tệ.

Tuy nhiên, nỗi sợ trong tôi quá lớn, ngại mình là dân tay ngang viết lách, lo cuốn sách không đủ hấp dẫn, sợ làm phiền mọi người nên tôi chỉ dám nhờ 3 người bạn. Không ngờ, sau khi sách phát hành toàn quốc, tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực. Nếu được làm lại, tôi chắc chắn sẽ gõ cửa nhờ nhiều người hơn. 

dsc8603.jpg
Ai Huynh cùng độc giả trong buổi ra mắt sách tại Hà Nội.

-Ai Huynh đã tìm thấy tình yêu của đời mình ở thung lũng Silicon?

Tuổi của tôi ở quê là phải ổn định rồi. Còn tôi, gần 30 tuối mới tốt nghiệp cao học, hào hứng nhưng cũng cực kỳ bận rộn với việc làm đầu tiên ở Silicon Valley. Và… học yêu lại từ đầu!

Tôi thành thật nói với bạn trai là muốn xây dựng một sự nghiệp mới toanh trong ngành hightech, và cũng thật lòng muốn xây dựng một mối quan hệ. May mắn là, anh ấy nhìn thấy tuổi trẻ của mình trong sự sấp ngửa của cô gái Việt Nam trước mặt. Tình yêu của tuổi 30+ không rần rần nhộn nhịp như tuổi 20+. Nó đơn giản hơn, nhưng cũng khiến mình hạnh phúc. Không có công thức chuẩn về tình yêu. Không bao giờ là quá “già” để yêu. Nếu không phải ở nơi này, bạn sẽ tìm thấy tình yêu phù hợp nhất ở nơi khác. Tôi tin là vậy.

-Làm công việc liên quan đến AI (trí tuệ nhân tạo), ứng dụng di động (mobile apps) ở Việt Nam và Mỹ, cá nhân bạn có lo ngại sự “chiếm quyền” của AI trong lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật? 

AI là một công cụ hữu ích phục vụ cho viết lách nhưng chưa thể chiếm quyền. Ví dụ: để trích lục, đối chiếu nguồn tham khảo khi viết một đề tài, trước đây tác giả mất hàng giờ đọc bằng mắt thường thì bây giờ có thể dùng công cụ AI kiểm tra nhanh.

Về sáng tác, AI (xịn) có thể hành văn với cấu trúc ngữ pháp chuẩn, từ vựng phong phú, dàn ý chặt chẽ. Nhưng để một tác phẩm văn học nghệ thuật sống lâu trong lòng người đọc, nó cần chiều sâu của trải nghiệm, sự đồng cảm giữa người (viết) với người (đọc). AI có dữ liệu lớn, có logic, nhưng lập trình được chiều sâu tình cảm là chuyện… khó. 

Tôi nghĩ rằng các sáng tác văn học nghệ thuật bằng AI có thể giống như đồ ăn công nghiệp đóng hộp vậy. Ngon theo cách riêng của nó, tiện, nhanh, rẻ và dễ nhân rộng. Nếu mình là người nấu dở thì đồ công nghiệp dễ ăn hơn đồ tự nấu rất nhiều. Có người hợp ăn đồ công nghiệp, nhưng có người không thích.

Những món ăn truyền thống được chế biến bằng bàn tay tinh tế của người nấu sẽ không thể bị chiếm quyền hay xóa sổ. Chúng luôn có chỗ đứng lâu dài, song song với ngành công nghiệp đồ hộp. 

Tác giả Ai Huynh

Ai Huynh có trên 10 năm kinh nghiệm điều hành, phát triển startups trong mảng chăm sóc sức khỏe, AI, ứng dụng di động ở Việt Nam và Hoa Kỳ. Chị có kinh nghiệm là COO tại Percolata Corporation (Mỹ).

Ai Huynh cũng tham gia cố vấn về phát triển sản phẩm và kinh doanh cho các tech startups ở giai đoạn mới khởi sự và dạy thỉnh giảng chủ đề Entrepreneurship cho các trường đại học ở San Francisco và TP.HCM. Chị là tác giả TEDx Talk: “Re-think: Education, women’s career and inner transformation”.