Theo ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, trong thời gian qua thành phố đã tập trung truy xuất nguồn gốc và chất lương thực phẩm tại các bữa ăn bán trú. Kết quả kiểm tra cho thấy các trường đều chấp hành về quy định an toàn thực phẩm. Các hợp đồng ký kết cung ứng thực phẩm đều đủ hồ sơ năng lực.
Để giảm nguy cơ mất an toàn từ các bếp ăn bán trú tại trường học, ông Phong cho rằng các trường cần chọn lọc đơn vị cung cấp chuyên nghiệp, đảm bảo các tiêu chí về an toàn thực phẩm. Các cơ quan chuyên môn chính quyền địa phương cần đẩy mạnh thanh tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Đặc biệt, công tác truy xuất nguồn gốc và chất lượng thực phẩm cần được chú trọng hơn nữa.
Các cơ sở giáo dục và y tế phối hợp tăng cường tập huấn cho cán bộ nhà bếp kiến thức về an toàn thực phẩm.
Cũng theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, việc đảm bảo an toàn bếp ăn bán trú là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đơn vị này cũng thường xuyên tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở trường học. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn công tác an toàn thực phẩm trong trường học.
Trong thời gian tới, ngành giáo dục thủ đô tiếp tục tăng cường kiểm tra giám sát đặc biệt là kiểm tra đột xuất tại các bếp ăn bán trú trường học. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và giải quyết tình trạng bán hàng rong xung quanh trường học là cần thiết để góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe học sinh.