Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư có hạn còn nhu cầu lưu thông rất lớn, một số tuyến cao tốc được áp dụng hình thức phân kỳ đầu tư với quy mô 2 hoặc 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp.

Tình trạng này đã gây ra những bất cập, hạn chế, trong đó có nguy cơ mất an toàn giao thông. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết của Quốc hội, Bộ GTVT đã đánh giá tổng thể và nghiên cứu đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đã được đầu tư phân kỳ.

Đại diện Bộ GTVT cho biết, đến nay các tuyến cao tốc 2, 4 làn xe đều đã được nghiên cứu, đề xuất mở rộng. Cụ thể: 

Đoạn La Sơn - Hòa Liên (dài 66km), phương án nâng cấp đạt quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh cần khoảng 3.011 tỷ đồng. Phương án đã được cấp có thẩm quyền thống nhất bố trí vốn từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong tháng 4 và dự kiến khởi công trong năm 2024, cơ bản hoàn thành trong năm 2025.

Đại diện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư dự án mở rộng tuyến cao tốc La Sơn - Hòa Liên) cho rằng, việc mở rộng tuyến từ 2 lên 4 làn xe là phù hợp. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần khớp nối toàn tuyến cao tốc từ Thừa Thiên Huế vào Đà Nẵng, Quảng Ngãi, tạo thành mạng lưới giao thông huyết mạch, liên hoàn, giảm tải cho quốc lộ 1, phá thế độc đạo của tuyến đường bộ qua hầm Hải Vân.

Đoạn Cam Lộ - La Sơn (dài 98km), phương án nâng cấp đạt quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh cần khoảng 7.000 tỷ đồng. Bộ GTVT đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuyến cao tốc này được đưa vào khai thác từ 31/12/2022 với quy mô 2 làn xe (nền đường rộng 12m), không có dải phân cách cứng ở giữa.

Thời gian qua, tuyến đường này xảy ra nhiều vụ tai nạn, trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng.

cao toc 1216 246 295 16925.jpeg
 Vụ tai nạn xảy ra sáng 18/2 khiến 3 người chết trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: VT

Đoạn Cao Bồ - Mai Sơn (dài 15km), Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư mở rộng đạt quy mô 6 làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 1.875 tỷ đồng. Dự kiến khởi công dự án trong năm 2024, cơ bản hoàn thành trong năm 2026.

Theo Sở GTVT tỉnh Ninh Bình, sau khi được phê duyệt dự án, các đơn vị chức năng đang tiến hành thủ tục chuẩn bị đầu tư, dự kiến khởi công tháng 11 tới đây. 

Theo đánh giá của Bộ GTVT, dự án sẽ nâng cao năng lực khai thác, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm thiểu tai nạn giao thông, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Nam Định, Ninh Bình.

Đồng thời, dự án góp phần từng bước hoàn thiện quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; góp phần thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phát triển phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng.

Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận (dài 51km), Bộ GTVT đang phối hợp với nhà đầu tư đề xuất dự án hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đạt quy mô 6 làn xe kết hợp với nâng cấp đoạn TPHCM - Trung Lương đạt quy mô 8 làn xe theo phương thức PPP.

Đoạn Hòa Lạc - Hòa Bình (dài 26km), từ tháng 5/2023 Bộ GTVT đã bàn giao dự án cho UBND tỉnh Hòa Bình làm cơ quan có thẩm quyền để nghiên cứu phương án đầu tư nâng cấp đạt quy mô 6 làn xe theo phương thức PPP. Hiện nay, UBND tỉnh Hòa Bình đã cơ bản hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 7.950 tỷ đồng.