Lời tòa soạn:

Ùn tắc giao thông là vấn nạn của nhiều đô thị trên thế giới. Việc tìm được giải pháp hữu hiệu cho bài toán này thật sự không đơn giản.

VietNamNet giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài về cách một số nước trên thế giới giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.

Công nghệ ổn định luồng giao thông tại Mỹ

Trong nhiều năm qua, các ứng dụng bản đồ phổ biến ở Mỹ như Google Maps và Waze đều đã được trang bị tính năng thông báo tình hình giao thông theo thời gian thực. Tính năng này giúp tài xế biết được tình hình tuyến đường di chuyển, từ đó đưa ra lựa chọn để tránh cảnh giao thông ùn tắc.

Tuy vậy, người tham gia giao thông tại Mỹ không thể lựa chọn cung đường khác nếu bắt buộc phải đi qua các tuyến cao tốc. Tình trạng ùn tắc ở đường cao tốc có thể xảy ra vì nhiều nguyên nhân bất ngờ như tai nạn hoặc xe dừng khẩn cấp, thường được gọi chung là "luồng giao thông không ổn định".

Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học tới từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã giới thiệu thuật toán mang tên "Horn" (còi giao thông) vào tháng 10/2023. 

b5be4b7bd.gif
Công nghệ Horn duy trì khoảng cách giữa các xe và giúp luồng giao thông ổn định. Ảnh: MIT

Thuật toán này sử dụng hệ thống cảm biến, radar và máy đo tốc độ được trang bị sẵn trên mỗi ôtô để tự động đánh giá khoảng cách giữa các xe. Trong trường hợp xe phía trước đột ngột giảm tốc độ, tín hiệu giảm tốc sẽ được truyền tới các xe phía sau và giữ khoảng cách giữa các xe ổn định.

Nhờ khoảng cách được giữ nguyên, việc lưu thông sẽ luôn được thông suốt và tình trạng tắc đường sẽ không xảy ra.

Các chuyên gia nhận định, công nghệ Horn đặc biệt hiệu quả trên cao tốc, khi phần lớn tài xế ở Mỹ đều sử dụng hệ thống kiểm soát hành trình (cruise control) tại đây.

Nhược điểm lớn nhất của giải pháp này là giá thành, khi việc trang bị đồng bộ công nghệ Horn trên một lượng lớn xe ôtô là vô cùng tốn kém. Bên cạnh đó, các phương tiện giao thông đời cũ cũng không phù hợp để trang bị công nghệ này.

Công nghệ dự báo khả năng gây ùn tắc của Honda

Theo Gizmag, vào năm 2022, hãng Honda (Nhật Bản) đã giới thiệu một giải pháp công nghệ mới, cho phép phát hiện nguy cơ gây ùn tắc giao thông của tài xế. Ngoài ra, công nghệ này còn gợi ý nhiều phương pháp hữu ích nhằm giữ lưu lượng giao thông ở mức ổn định nhất.

Công nghệ sẽ theo dõi thói quen tăng, giảm tốc độ của chủ xe, và đưa ra cảnh báo nếu thấy có nguy cơ gây tắc đường. Thông tin này được thu thập và chia sẻ theo thời gian thực thông qua điện toán đám mây, từ đó đưa ra thông báo để tài xế duy trì khoảng cách hợp lý với phương tiện xung quanh.

bn wv641 3lm7i or 20180104021005.jpg
Phương tiện giao thông tại Nhật Bản. Ảnh: Zuma Press

Kết quả kiểm tra của Honda và Đại học Tokyo cho biết, công nghệ này giúp tăng tốc độ trung bình của xe lên 7% và hiệu quả nhiên liệu được cải thiện 3%. Trong trường hợp được sử dụng cả máy chủ điện toán đám mây và hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng (ACC), tốc độ trung bình sẽ được cải thiện 23%, hiệu quả nhiên liệu ở mức 8%.

Tuy nhiên, công nghệ của Honda hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của người tham gia giao thông để giảm thiểu tắc đường.

Công nghệ AI giúp giảm ùn tắc giao thông của Israel

Vào tháng 5/2022, công ty ITC (Kiểm soát giao thông thông minh) đã giới thiệu một thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) có thể cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông ở Israel.

"Chúng ta có thể ngăn chặn nhiều vụ tắc đường nếu điều tiết phù hợp từ sớm", CEO của ITC cho biết.

Theo đó, AI của ITC sẽ thu thập dữ liệu thời gian thực từ camera đường phố, sau đó gửi hướng dẫn điều khiển đèn giao thông dựa trên luồng di chuyển của các phương tiện. Khi sử dụng công nghệ này, lưu lượng xe cộ tại 2 nút giao thông thường xuyên tắc nghẽn ở Tel Aviv đã giảm 30%.

Ngoài công nghệ kiểm soát giao thông, các công ty ở Israel cũng giới thiệu một AI cảnh báo nguy hiểm cho người lái xe máy.