Trong 45 ngày (từ 30/8 - 15/10), 6 Tổ công an tác của Bộ Công an trực tiếp đôn đốc, kiểm tra vi phạm trật tự an toàn giao thông ở 58 tỉnh, thành phố đã phát hiện 6.119 trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn; 46 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra.
6 Tổ công tác này, thực thi nhiệm vụ với tinh thần kiên quyết, "không có ngoại lệ, không có vùng cấm". Việc xử lý trên đã góp phần gây dựng cho người tham gia giao thông thói quen "đã uống rượu bia thì không lái xe".
Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận người tham gia giao thông có tâm lý chủ quan, cố tình vi phạm nên nghĩ ra nhiều cách "né chốt". Điển hình là việc đã sử dụng rượu bia mà vẫn lái xe, khi phát hiện lực lượng chức năng thì dắt bộ qua chốt tuần tra, kiểm soát.
Liên quan đến vấn đề này, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tại chốt có thể yêu cầu dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, do nhận thức được việc đã sử dụng rượu bia, không muốn gửi xe máy tại quán, vì nhà ở gần nên chủ động dắt xe, trường hợp này có bị xử phạt?
Tại Điều 16 của Thông tư 32, lực lượng làm nhiệm vụ có thể dừng xe khi trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Tổ tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT có thể căn cứ vào việc phát hiện trực tiếp hoặc thông qua các thiết bị ghi hình có hình ảnh trước đó người dắt bộ xe đã uống rượu bia điều khiển phương tiện thì có quyền dừng xe, yêu cầu kiểm tra vi phạm về nồng độ cồn.
Trong thực tế, cán bộ ,chiến sĩ CSGT đã được trang cấp các loại camera cá nhân để ghi hình trong suốt quá trình làm việc. Hình ảnh từ những camera này có thể chứng minh được việc người vi phạm đã điều khiển phương tiện trước khi xuống xe dắt bộ "né chốt".
Đồng thời, tại nhiều cung đường tập trung các nhà hàng, quán bia... thường xuyên có người vi phạm nồng độ cồn, lực lượng CSGT áp dụng hình thức hóa trang để phát hiện vi phạm.
Nếu bị lực lượng hóa trang ghi hình người uống rượu bia điều khiển phương tiện ngay từ khi rời nhà hàng, quán bia... thì người dắt bộ xe qua chốt không thể chối cãi.
Cũng cần nói thêm, việc đã sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông với bản thân tài xế và những người tham gia giao thông khác. Vì vậy, người tham gia giao thông cần tuyệt đối tuân thủ "đã uống rượu bia thì không lái xe".
Nếu tài xế cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, tại Nghị định 100/NĐ- CP đã quy định cụ thể mức phạt đối với người điều khiển xe máy:
Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, kể cả xe máy điện sau khi sử dụng rượu bia sẽ bị phạt tiền từ 2- 3 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra, người vi phạm bị tước giấy phép lái xe 10 -12 tháng.
Phạt tiền từ 4 - 5 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm sẽ bị tước giấy phép lái xe 16 - 18 tháng.
Phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời, người vi phạm bị tước giấy phép lái xe 22 - 24 tháng.