Có bao giờ một người phỏng vấn hỏi bạn một câu khiến bạn thấy khó chịu? Có thể là người phỏng vấn tuyển dụng non kinh nghiệm, hoặc đơn giản là muốn “phá băng” trong cuộc trò chuyện để hiểu rõ hơn về bạn. Nhưng những câu hỏi quá cá nhân có thể mang lại đánh giá không công bằng, ảnh hưởng đến kết quả phỏng vấn. Và trên hết, bạn không có trách nhiệm phải trả lời chúng nếu không muốn.
Tại sao anh/chị chưa lập gia đình? Chưa có con? Khi nào bạn định có con?
Khi hỏi về tình trạng hôn nhân, con cái, ý định của người phỏng vấn có thể là muốn biết kế hoạch hôn nhân ảnh hưởng ra sao đến sự nghiệp lâu dài của bạn. Nhưng lựa chọn đời sống cá nhân của bạn không phải là yếu tố chuyên nghiệp cần được xét đến trong công việc.
Dạng câu hỏi này cũng có thể xuất phát từ lo ngại về khả năng đảm nhiệm công việc sau khi bạn có con. Nhưng bạn không có trách nhiệm phải hy sinh hạnh phúc cá nhân cho kế hoạch của doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp phải có trách nhiệm hỗ trợ lao động là phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ theo quy định của pháp luật. Ngay cả nam giới cũng được hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con. Một công ty không thể đảm bảo điều đó sẽ khó có thể đảm bảo phúc lợi cho bạn trong tương lai.
Cách phản hồi: Hãy hỏi ngược lại: “Yếu tố hôn nhân có vẻ rất quan trọng đối với vị trí này. Bạn có thể giải thích tại sao không?". Hãy tìm hiểu gốc rễ của câu hỏi và đánh giá xem liệu công việc này có thể can thiệp quá mức đến kế hoạch riêng của bạn trong tương lai không.
Bạn quê gốc ở đâu?
Một số nhà tuyển dụng hoặc công ty vì định kiến vùng miền nên không sẵn sàng tuyển dụng nhân sự từ một số địa phương. Đây là điều hoàn toàn không liên quan đến năng lực, chuyên môn cá nhân của người ứng tuyển.
Cách phản hồi: Điều này phụ thuộc vào cảm giác của bạn, bạn cảm thấy thoải mái để tiết lộ hay không? Nếu không muốn, hãy giải thích đơn giản rằng bạn đang sống tại thành phố này, hồ sơ cá nhân bao gồm quê quán của bạn sẽ được gửi đến công ty sau khi có quyết định tuyển dụng.
Niềm tin tôn giáo của bạn là gì?
Đây là câu hỏi hiếm thấy, nhưng trong trường hợp câu hỏi này rơi vào bạn, thì bạn nên tìm hiểu ẩn ý của người hỏi.
Cách phản hồi: Cố gắng tìm hiểu tại sao người phỏng vấn thực sự quan tâm đến vấn đề này - vì định kiến, vì lo ngại bạn nhất định sẽ nghỉ vào một số ngày theo tôn giáo của bạn, hay vì bất kỳ lý do gì liên quan đến công việc? Xác nhận về khả năng đáp ứng công việc của bạn để người phỏng vấn biết mối quan tâm đó có đáng để lo ngại tiếp không.
Bạn có phải là người chuyển giới, LGBT+... không?
Đây cũng là một chủ đề mà nhà tuyển dụng không nên đặt ra.
Cách phản hồi: Trả lời bằng cách khẳng định năng lực chuyên môn mà bạn có thể mang lại cho công việc, bất kể giới tính hay xu hướng tình dục.
Mức lương ở công ty cũ của bạn là bao nhiêu?
Một số công ty đặt ra câu hỏi này để xác định thu nhập hiện tại của bạn.
Cách phản hồi: Bạn nên hỏi ngược lại về giới hạn tối thiểu - tối đa cho lương của vị trí đang tuyển. Đó là thông tin mà đáng ra nên được nói rõ trong thông tin tuyển dụng. Nếu cảm thấy bị thúc ép và bạn cần công việc này, hãy chia sẻ khoảng thu nhập trung bình của bạn (nằm trong giới hạn mà công ty chia sẻ), và nêu rõ bạn có nhu cầu nhận mức lương cao hơn con số đó nếu nhận vị trí này.
Đôi khi, bạn không tránh khỏi hoàn cảnh trớ trêu khi công ty tuyển dụng rất tuyệt vời, nhưng người phỏng vấn vì lý do cá nhân lại có định kiến và hỏi bạn những câu ngoài yêu cầu chuyên môn. Vậy bạn hãy xác định, nếu bạn đã làm hết mức có thể, và năng lực của bạn đáp ứng được ở công ty đó mà vẫn bị loại, thì đó là thiệt hại của họ. Nhiều việc nằm ngoài tầm tay của chúng ta, nhưng năng lực làm việc sẽ luôn là câu trả lời đúng nhất cho tương lai.
(Nguồn CareerBuilder)