Đừng lưỡng lự, hồi hộp khi đưa tiền tip. Nhanh gọn, dứt khoát thể hiện sự sành điệu.
1. Tip ở nhà hàng
Khi đi đến nhà hàng ở nước ngoài, bạn cần lưu ý về văn hóa tiền tip của nước sở tại. Ví dụ, đến Nhật, không nên đưa tiền tip, còn ở Mỹ có những nơi in hẳn con số quy đổi 17% số tiền phải thanh toán là bao nhiêu để mình tham khảo, khỏi tính nhẩm mất công.
Ở mỗi quốc gia, văn hóa tip cũng khác nhau. |
Để chắc ăn, bạn cứ thấy biển quảng cáo giá mắc, rẻ gì thì cũng cộng khoảng 25%, gồm vừa thuế vừa phí phục vụ, để ra giá cần trả. Về cơ bản, những cách tip trong bài trước có thể áp dụng ở những nhà hàng nước ngoài. Chỉ cần lưu ý thêm sự khác biệt về món ăn và cung cách phục vụ.
Trong những nhà hàng phương Tây, việc chờ món chính lâu hơn 30 phút là bình thường; tuy nhiên trong suốt khoảng thời gian chờ đợi, người ta không bỏ mặc bạn. Ở Mỹ, người phục vụ ít trịnh trọng hơn, phong cách thoải mái hơn ngay cả trong nhà hàng sang trọng; cốt yếu là sự lịch sự và thoải mái. Còn ở châu Âu, người phục vụ gần như dùng câu văn mẫu.
Phục vụ phương Tây quyền lực hơn phương Đông. Họ có thể tạo ra tiếng động thoải mái, miễn không phải là cố tình hoặc chói tai. Thay vì khúm núm, họ có thể đặt cái đĩa ăn cộp xuống bàn, rồi nói: "Đây rồi, món tôm nướng của anh!". Và nếu tiếng động ấy quá một chút, hoặc phản ứng của khách bị bất ngờ, hay hơi phiền thì họ rất nhanh nhảu: ”Oops, tôi xin lỗi, cái đĩa vừa trượt qua đầu ngón tay tôi!”.
Về cơ bản, phục vụ phương Tây chủ động, nắm kịch bản và quy trình phục vụ, biết trước việc phải làm và làm trước. Khi đưa đĩa mì, họ hỏi luôn: "Ông muốn thêm hạt tiêu không?".
Dù chăm chút, họ vẫn bị động và chịu sự đòi hỏi của khách hàng mang tính “sai bảo” hơn là hợp tác.
Khi tip ở nước ngoài, cần nhớ là đừng đưa tiền cắc. Người phục vụ không để ý, cầm lên, nó rơi xuống loảng xoảng thì kỳ lắm! Viết thêm vào hóa đơn khi trả bằng thẻ, hoặc một tờ gọn gàng 10 USD, 20 USD quy ra tương đối.
Để so sánh sự khác biệt văn hóa ở từng quốc gia, hãy quan sát cùng một hệ thống ở từng nước khác nhau. Thử tại khách sạn Hyatt ở từng nơi sẽ thấy ở TP.HCM thật là khác biệt, và đáng ngạc nhiên là nhìn chung, tốt hơn rất nhiều Hyatt ở nhiều nước khác, kể cả ở châu Âu hay Mỹ.
2. Tip ở khách sạn
Tôi có thói quen để một tờ bạc dưới gối, hoặc cạnh chậu rửa mặt trong toilet. Đó là tip riêng cho đúng người sẽ rờ vào tấm drap mình mới đắp đêm qua, tấm ra còn lưu mùi nước hoa, mùi mồ hôi, mùi của vài lần vật lộn hay mùi của thư thái nằm yên, lún sâu. Người dọn phòng đã sắp xếp đồ mặc rồi của mình, và ý tứ đặt chiếc quần ngủ ngay ngắn, thẳng thớm cho đêm sau, người lau chùi bồn tắm sau khi mình sử dụng - những thứ thuộc riêng tư mà ngay cả bạn bè, người thân mình cũng không biết đến hay sờ chạm vào.
Một tờ tiền vừa phải, người làm phòng không phải chia chác cho ai, như câu chuyện tình bí mật, riêng tư giữa chúng mình với nhau mà thôi! Đây là một cách không tệ để bắt đầu ngày mới cho người lao động đặc biệt.
Người dọn phòng khách sạn là người chứng kiến nhiều chuyện riêng tư tế nhị của bạn... |
Mỗi khi dùng bữa hay uống cocktail trong nhà hàng hay bar của khách sạn, mình ký hóa đơn và có thể để tip theo quy định nhà hàng. Cơ chế hoạt động của nhà hàng là độc lập khỏi khách sạn, dù cho bạn sẽ thanh toán sau cùng tại quầy lễ tân.
Khi trả phòng, bạn nên để tiền tip dựa trên những tiêu chí sau:
- Khi nhận phòng, phòng của bạn tuyệt đối sạch sẽ và không có bất kỳ dấu hiệu nào của người ở trước vừa check out không? Ngay cả khách sạn 5 sao vẫn mắc những lỗi này: toilet chưa khô tuyệt đối, bồn rửa mặt còn vài giọt nước đọng, kính có vết mờ. Thảm chùi chân trong bồn tắm không ngay ngắn trên kệ, gối còn hơi người dù đã thay áo gối. Nếu phát hiện một cọng lông rơi ra từ giường ngủ, bạn nhất định phải yêu cầu đổi phòng, hoặc chờ bộ phận vệ sinh thay toàn bộ chăn, drap, gối lại. Và tip? Không!
- Nếu bạn có yêu cầu dịch vụ phòng, trái cây, rượu, hay ăn sáng trên giường, nhớ mặc áo choàng và chuẩn bị tiền lẻ cho người phục vụ. Ngoài ra tiền tip sau cùng cũng được lưu ý cộng thêm, vì thường bạn phải order qua điện thoại.
- Người mang vali lên phòng cho bạn sẽ nhận một ít tiền tip. Trong rất nhiều trường hợp, bạn có hành lý gọn và không muốn phiền người khuân vác, nhưng nếu bạn nhất quyết tự mang thì họ còn phiền hơn! Nếu không có vấn đề gì về chi tiêu, bạn nên để họ được làm công việc của họ!
- Phần tip bạn đưa ở quầy lễ tân sẽ được chia đều cho nhân viên khách sạn. Bạn nên tip nhiều hơn bình thường nếu yêu cầu được trả phòng trễ được đáp ứng. (Bí quyết để bạn luôn có thể được trả phòng trễ là hãy gọi xuống quầy tiếp tân, gặp người check in cho bạn. Người này xem profile của bạn trong hệ thống, biết bạn có phải là VIP hay không, thậm chí thẻ ngân hàng của bạn loại gì… Bạn hãy thỏ thẻ :”Tony khỏe không? Tôi đang tự hỏi, không biết ngày mai tôi nên check out trễ để lấy xe ra phi trường luôn thì tiện. Liệu bạn có thể sắp xếp cho tôi late check out được không? Nếu không được thì cũng không sao, còn nếu được thì quá tuyệt vời!”).
- Trong những VIP lounge thường có thùng đựng tip, thậm chí có nơi không cho free flow khi bạn dùng rượu; uống thì bỏ tiền vào hộp; bạn nên lưu ý thực hiện. Vì trong những lounge sang trọng, họ đánh giá mình qua ý thức tự giác. Và nếu bạn ở lâu, mà bạn dễ thương thì bạn sẽ thấy nhiều điều tuyệt vời xảy đến khi lọt vào mắt xanh của những nhân viên làm việc ở VIP lounge.
Bạn không nhất thiết phải vung tiền ra. Bạn chỉ cần kín đáo dự chi đâu đó khoảng 20% trên giá phòng là ổn. Nhưng cách nói năng của bạn, cử chỉ và phong cách sẽ khiến tập thể nhân viên ở một khách sạn luyến nhớ. Có khi 1-2 năm sau khi bạn quay lại, người ta vẫn nhớ tên bạn, nhớ từng thói quen, sở thích của bạn để thực hiện. Bạn muốn có nhiều nơi thoải mái như ở nhà, tiện nghi và dễ chịu ngay cả trong những ngày lệch múi giờ, nói tiếng nước ngoài và căng thẳng chuyện làm ăn... Hãy cư xử từ tốn, và là một người ở trọ biết điều.
Tự nhiên tôi muốn nghe nhạc Trịnh: "Tôi nay ở trọ trần gian, mai kia về chốn xa xôi cũng gần…”.
Nhớ nha quý vị: ông Trịnh Công Sơn nói "Môi xinh ở đậu người xinh..."..
Nhà thiết kế Chương Đặng
(Theo Zing)